Yoga đẩy lùi mất ngủ
Ông Thông trước công tác tại Viện KHXH, là lãnh đạo nên ông không có nhiều thời gian để tập thể dục, thể thao. Bộ môn đá bóng “lá chuối” từ hồi còn ở quê mà ông rất mê nhưng vì công việc nên chưa bao giờ ông tham gia được với anh em một trận. Lúc còn thanh niên, đi làm, lên vùng kháng chiến cũng không có điều kiện tập luyện. Tóm lại, suốt thời gian đi làm, tập thể dục là thứ gì đó rất xa xỉ với ông. Khi bắt đầu có tuổi thì ông rơi vào trạng thái mất ngủ triền miên. “Tôi mất ngủ ghê lắm. Có đêm tôi chỉ ngủ được vài tiếng mà không ngon.
Sáng ra mệt mỏi, đầu óc đông đặc, làm việc khó khăn. Nhiều người tuổi tôi lúc đó cũng mất ngủ. Họ đi khám, được kê thuốc tây uống vào chẳng những bệnh không khỏi mà còn mệt mỏi, bồn chồn nên tôi không đi khám. Tôi tự tìm hiểu, học hỏi anh em cách tập yoga. Yoga có động tác thở giúp tinh thần tránh xa căng thẳng, matxa các cơ quan, khởi động giấc ngủ; các động tác gập người kích thích gan, thận, khởi động hệ thần kinh giao cảm, giải tỏa căng thẳng, giúp cơ thể chìm vào giấc ngủ.
Các tư thế uốn ngửa lưng, tay chạm đất luân chuyển máu tới trái tim, điều hòa hoạt động của cơ thể…Mỗi hôm học một ít, tập một ít, đều đặn như vậy nên tôi không phải dùng một viên thuốc nào, bệnh mất ngủ lui”- ông Thông nói.
Tập thở dưỡng sinh theo kinh nghiệm của BS Nguyễn Khắc Viện
Để bài bản, khi về hưu, ông theo học 2 lớp yoga cơ bản và nâng cao, theo học lớp tập thở dưỡng sinh nâng cao sức khỏe. Tấm gương sáng của BS Nguyễn Khắc Viện như động lực giúp ông theo đuổi môn học. Ông nói: “Ông Nguyễn Khắc Viện ở Pháp bị lao phổi, ông bị cắt 1 bên phổi, ¼ bên còn lại, bác sĩ người Pháp nói ông chỉ sống được 2 năm.
Sau đó ông Viện về Việt Nam, ông kiên trì tập thở giúp nở phổi, kích thích phổi hoạt động và ông đã sống thêm được 50 năm. Học tập thở dưỡng sinh giúp khí huyết lưu thông, tinh thần minh mẫn, khắc phục chứng mất ngủ, chứng hay quên, bởi thế, mấy chục năm về hưu, tôi gần như không phải dùng thuốc”.
Không chủ quan với sức khỏe, không ốm đau bệnh tật nhưng định kỳ 6 tháng ông Thông đi khám sức khỏe tổng quát 1 lần, nếu phát hiện bệnh là chữa ngay. Năm 2013 ông thấy đau bụng, đi khám bác sĩ cho soi đại tràng phát hiện có polip đại tràng và ông đồng ý cắt luôn. Cắt xong thì bụng êm, người khỏe. Từ lúc phải phẫu thuật, ông ít ăn thịt, ăn tăng cường rau, củ, quả. Cứ duy trì như vậy ông thấy người không thiếu chất, ngược lại còn nhẹ nhõm.
Vận động cho xương cốt dẻo dai
Tập các môn thể thao tĩnh (yoga, dưỡng sinh) đem đến cho ông giấc ngủ, tinh thần thư thái nhưng ông nghĩ, mình có sức khỏe, cần ra ngoài nhiều hơn để tiếp xúc với bạn bè, luyện tập cho xương cốt dẻo dai, cứng cáp. Thế là sáng nào ông cũng đi bộ ra công viên. Tập đi bộ kết hợp hít thở, tập khiêu vũ. “Các động tác khiêu vũ giúp tôi rèn trí nhớ, phản xạ nhanh. ở tuổi tôi, tôi chọn các bước khiêu vũ cơ bản, chủ yếu cho các khớp xương hoạt động, gân cốt dẻo dai.
Một số người cao tuổi thích trinh phục các động tác khó nhưng theo tôi là không nên bởi không thể bắt xương cốt làm việc quá sức. Phải biết lựa theo sức khỏe mà tập. Tôi vừa tập, vừa nghe ngóng nên tôi đi được hết cả buổi tập. Nếu tập dồn, tập quá sức thì chỉ 10-15 phút là oải, phải bỏ cuộc”.
Ngay cả đi bộ cũng vậy. Đi bộ tưởng nhẹ nhàng nhưng hôm nào sức khỏe không tốt, ông Thông bắt xe buýt đến công viên rồi mới đi bộ và tập thở. “Có người nói tôi cầu kỳ, mệt thì nghỉ nhưng tôi tự phải rèn cho mình thói quen không bỏ cuộc. Mệt thì tập vận động ít, chuyển sang tập thở nhiều hơn. Bỏ tập một hôm, hôm sau lười nhác gấp 10, lâu dần sẽ không giữ được thói quen luyện tập”.
Ông Thông có 5 con, 2 con đi học và làm việc ở nước ngoài. Ông bà sống với con trai cả. Vợ ông yếu nên phải có người chăm sóc thường xuyên. Nhà có giúp việc, mọi việc ông bà không phải làm. Ngoài thời gian đi tập ông vẫn duy trì thói quen đọc sách báo, cập nhật tin tức. Dù 83 tuổi nhưng ai cũng nghĩ ông mới ngoài 60 bởi tinh thần nhanh nhẹn, cơ thể khỏe khoắn, đi bộ thì cả thanh niên cũng phải bái phục.
Khánh Thủy