Theo đó, Bộ TN&MT đề nghị các địa phương cần kiểm tra, rà soát, thống kê các khu vực đang tồn tại mô hình này, xác định khu vực có vi phạm đất đai, nêu rõ từng hành vi vi phạm, lập hồ sơ để xử lý kịp thời. Đồng thời, kiểm tra cả những khu vực chưa có vi phạm hoặc có vi phạm nhưng chưa có chế tài xử lý để kịp thời ngăn chặn, chấn chỉnh. Bên cạnh đó, các địa phương cần có hướng nghiên cứu, đánh giá các mô hình trên để đề xuất phương án quy hoạch hoặc biện pháp xử lý phù hợp với phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Chính quyền địa phương các cấp cần tuyên truyền quy định pháp luật liên quan để người dân tránh vi phạm pháp luật về chuyển mục đích sử dụng đất, xây dựng công trình trái phép trên đất nông nghiệp. Đồng thời, cần công khai trên các phương tiện thông tin về những khu vực, dự án có sai phạm; cảnh báo tránh mua bán, đầu tư để không vi phạm pháp luật và thiệt hại về kinh tế.
Một dự án farmstay trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận. Ảnh: Hữu Thông |
Theo Bộ TN&MT, farmstay là mô hình dự án có liên quan đến chức năng nhiệm vụ của nhiều ngành như Văn hóa - Thể thao và Du lịch; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Tài nguyên và Môi trường; Xây dựng... Vì vậy, đề nghị UBND các tỉnh, thành phố thành lập tổ kiểm tra liên ngành để tham mưu cho UBND tỉnh, thành phố có biện pháp quản lý, giải quyết đảm bảo tính đồng bộ, toàn diện.
Trước đó, Báo KH&ĐS đã có bài: “Đầu tư farmstay: Cẩn trọng rủi ro vì khoảng trống pháp lý”, phản ánh tình trạng đua nhau phát triển dự án bất động sản farmstay tại nhiều địa phương như Đăk Lăk, Lâm Đồng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Ninh Thuận, Bình Thuận, Gia Lai, Đồng Nai, Long An, TPHCM… Theo quảng cáo, khi sở hữu farmstay nhà đầu tư sẽ nhận được nhiều ưu đãi hấp dẫn như số đêm nghỉ tại dự án cùng cam kết tỷ suất sinh lời cao… Cụ thể, sau 3 năm sẽ có sổ đỏ; gia đình được cung cấp rau sạch, số đêm nghỉ; tỷ suất lợi nhuận từ 15 - 20%; nếu không hỗ trợ làm sổ đỏ được, sẽ mua lại bằng mức 124% giá ban đầu… Trong khi đó, pháp lý các dự án farmstay khá lỏng lẻo vì đa phần là đất hỗn hợp, đất nông nghiệp, đất lâm nghiệp, không được công nhận là mô hình du lịch nghỉ dưỡng nên rất khó để được tách, cấp sổ, gây rủi ro lớn cho nhà đầu tư.