Theo dự thảo Thông tư 39, cá nhân mở ví điện tử cần cung cấp các thông tin, giấy tờ như căn cước công dân, CMND hoặc hộ chiếu còn thời hạn, giấy khai sinh (đối với cá nhân là công dân Việt Nam chưa đủ 14 tuổi); thị thực nhập cảnh hoặc giấy tờ chứng minh được miễn thị thực nhập cảnh của cá nhân mở ví điện tử (đối với cá nhân là người nước ngoài).
Ví điện tử của tổ chức cần một trong các giấy tờ chứng minh như: quyết định thành lập, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; giấy chứng nhận đầu tư; hoặc các giấy tờ khác theo quy định của pháp luật; giấy tờ chứng minh tư cách đại diện của người đại diện hợp pháp của tổ chức mở ví điện tử...
Tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử (MoMo, ZaloPay, AirPay...) phải kiểm tra, đối chiếu, bảo đảm hồ sơ mở ví của khách hàng đã đầy đủ, hợp pháp, hợp lệ theo quy định; đồng thời có biện pháp xác định khách hàng là người sử dụng số điện thoại đăng ký mở ví. Phải yêu cầu khách hàng hoàn thành việc liên kết ví điện tử với tài khoản thanh toán hoặc thẻ ghi nợ của khách hàng mở tại ngân hàng tại Việt Nam trước khi kích hoạt ví điện tử để sử dụng.
Việc nạp tiền vào ví của khách hàng phải thực hiện thông qua tài khoản thanh toán hoặc thẻ ghi nợ của chủ ví điện tử tại ngân hàng hoặc thông qua việc nhận tiền từ ví khác do cùng tổ chức cung ứng dịch vụ ví mở.
Tổng hạn mức giao dịch của một ví điện tử của cá nhân tối đa là 20 triệu đồng/ngày và 100 triệu đồng/tháng; hạn mức giao dịch của tổ chức qua ví tối đa 100 triệu đồng/ngày và 500 triệu đồng/tháng.
Số liệu của Ngân hàng Nhà nước, hiện cả nước có 26 tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử như MoMo, Airpay, ZaloPay, Vimo, VTCPay, Ví Việt, SenPay, Ví TrueMoney... và khoảng 10.000 đơn vị chấp nhận thanh toán bằng ví điện tử. Tính đến cuối năm ngoái, cả nước có 4,2 triệu ví đã liên kết với tài khoản ngân hàng.