Nhận được thông báo thai nhi của mình đang trong cơn nguy kịch thì tất cả các ông bố bà mẹ đều không giấu nổi sự đau khổ và nỗi lo sợ bị “mất” con. Nhưng cũng có một niềm vui không sao tả xiết được khi người mẹ lại cảm nhận được con mình hồi sinh, đạp trong bụng ngay khi còn đang nằm trên bàn phẫu thuật, trong lúc mà các bác sĩ vẫn đang can thiệp để cứu sống thai nhi. Đó là thành công của việc ứng dụng kỹ thuật “Y học bào thai” tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội. Đây là bệnh viện công đầu tiên trong cả nước triển khai can thiệp bào thai nhằm điều trị các hội chứng, các bệnh lý để cứu sống thai nhi, giúp thai tiếp tục phát triển khỏe mạnh đến khi đủ tháng.
PGS.TS Nguyễn Duy ánh (bên trái) và BSCKI Nguyễn Thị Sim đang phẫu thuật cho thai nhi trong buồng tử cung. |
Hạnh phúc vỡ òa khi con đạp trở lại
Sản phụ N.T.H. chia sẻ, chị được Bệnh viện Thái Nguyên chuyển đến Trung tâm Chẩn đoán trước sinh Hà Nội khi thai được 24 tuần tuổi trong tình trạng thiểu ối nặng, nước ối gần như cạn kiệt, em bé gần như bị tử cung bó chặt, chỉ còn hơn 10mm.
Khi được các bác sĩ tư vấn chỉ định điều trị theo phương pháp mới “Y học bào thai” truyền nước ối vào buồng tử cung sản phụ, gia đình đã rất đắn đo suy nghĩ nửa muốn truyền ối cho bào thai, nửa lo sợ thai có dị tật gì đó nên xin về suy nghĩ thêm. Qua thứ Bảy – Chủ nhật, thứ Hai sản phụ quay lại tình trạng nguy kịch hơn rất nhiều. Nước ối gần như hết sạch, siêu âm chỉ nhìn thấy một khe nhỏ nước ối rộng 1cm, sâu 1cm. Khi đó gia đình tha thiết đề nghị bệnh viện đồng hành để cứu chữa em bé dù còn 1 tia hy vọng cuối cùng cũng quyết tâm thực hiện. Ngay lập tức, bệnh nhân được chuyển cấp cứu lên phòng mổ can thiệp bào thai, nhưng vì khe ối quá hẹp nên kíp phẫu thuật phải mất hơn 10 phút hội chẩn để tìm đường xuyên kim vào buồng tử cung, làm sao cho kim đi vào đúng khe ối đó mà vẫn phải đảm bảo không gây tổn thương bánh rau và thai nhi. Và may mắn là ca truyền ối cũng đã được thực hiện thành công.
PGS.TS Nguyễn Duy Ánh và BSCKI Nguyễn Thị Sim đã phải rất kiên trì dùng chiếc kim rất nhỏ (kim đường kính 0,4mm chưa bằng sợi tóc) bơm chậm từng xi lanh 5mm dịch sinh lí vào trong buồng ối của em bé để buồng ối rộng dần lên. Trong quá trình làm sản phụ cảm nhận được bụng mình mềm hơn, thấy con mình cử động trong bụng nên sản phụ không cầm được nước mắt và reo lên: “Các bác sĩ ơi em thấy con em đạp trở lại rồi”. Sau hơn 2 giờ kiên trì truyền ối dưới hướng dẫn của máy siêu âm 4D, quan sát thấy thai uống nước ừng ực, thấy thai cử động bình thường trở lại, đúng như hình ảnh “cá gặp nước”, BSCKI Nguyễn Thị Sim đo góc ối sâu nhất đã đạt 50mm, nên dừng truyền. Sản phụ được siêu âm không thấy bất thường về hình thái của thai nhi, được tiếp tục theo dõi tình trạng phát triển của thai cũng như tình trạng ối đều tốt nên đã được xuất viện sau 3 ngày. Sau một tháng, thai vẫn tăng trưởng tốt và lượng ối vẫn bình thường.
BSCKI Nguyễn Thị Sim, Phó Giám đốc Trung tâm Sàng lọc, chẩn đoán trước sinh và sơ sinh, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho biết, đây chỉ là một trong nhiều kỹ thuật của “Y học can thiệp bào thai”. Trên thế giới đã có nhiều cơ sở can thiệp trong bào thai để điều trị các bệnh lí bẩm sinh của thai như thoát vị hoành, tràn dịch màng phổi, bệnh tim bẩm sinh... Tại Việt Nam, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội là bệnh viện công đầu tiên đã thiết kế và hoàn thành một phòng mổ hiện đại theo tiêu chuẩn châu Âu chuyên để can thiệp vào bào thai từ tháng 10/2019, và đến nay Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đã thực hiện cứu sống thành công cho 12 ca bị hội chứng truyền máu song thai, 1 ca song thai không tim, truyền ối cho những ca hết ối...
PGS.TS Nguyễn Duy ánh (thứ hai bên trái) và BSCKI Nguyễn Thị Sim cùng chuyên gia nước ngoài. |
Kỹ thuật hiện đại với trình độ chuyên môn cao
BSCKI Nguyễn Thị Sim nhấn mạnh, kỹ thuật can thiệp bào thai là kỹ thuật đòi hỏi chuyên môn cao, trang thiết bị hiện đại.
Việc đưa dụng cụ vào can thiệp trong buồng ối sau đó đóng lại chờ thai nhi tiếp tục phát triển đủ tháng là một kỹ thuật khó nhất của lĩnh vực sản khoa, đòi hỏi phải vô trùng, kỹ thuật can thiệp phải chuẩn xác tuyệt đối. Đặc biệt khó là khi thực hiện kỹ thuật này thai nhi vẫn cử động nên quá trình định hướng ban đầu bị thay đổi đòi hỏi bác sĩ phải có chuyên môn giỏi, biết linh động trong quá trình can thiệp bằng kinh nghiệm khéo léo để sao cho vừa can thiệp điều trị khỏi bệnh cho thai nhi vừa đảm bảo cho thai phát triển tốt, mà vẫn phải đảm bảo tử cung còn nguyên vẹn không gây cơn co, không gây sẩy thai hay đẻ non…
Nhờ sự ủng hộ từ phía Bộ KH&CN Việt Nam, UBND TP Hà Nội, Sở Y tế Hà Nội, Bộ Y tế, Ban Lãnh đạo Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đã quyết tâm thực hiện thành công kỹ thuật này. Song song với việc xây dựng phòng mổ đạt chuẩn, mua sắm trang thiết bị tốt nhất, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đã cử bác sĩ sản khoa Nguyễn Thị Sim, bác sĩ gây mê hồi sức Nguyễn Đức Lam sang Pháp để học tập kỹ thuật chuyên sâu về can thiệp bào thai tại Bệnh viện Necker, một bệnh viện hàng đầu châu Âu.
Ngay cả PGS.TS Nguyễn Duy Ánh, Giám đốc Bệnh viện cũng dành thời gian và công sức để trực tiếp tham gia các khóa đào tạo Y học bào thai tại Anh, Pháp, Singapore để về chỉ đạo thực hiện các kỹ thuật theo một chuẩn mực nhất định và để hiệu quả điều trị sẽ đạt được ở mức cao nhất.