Kỷ lục, nhưng dựa vào khối FDI
Năm nay, tăng trưởng kinh tế Việt Nam có thể đạt khoảng 7% và kim ngạch xuất nhập khẩu đã lần đầu tiên cán đích 500 tỷ USD - đúng 2 năm sau khi đạt thành tích 400 tỷ USD. Theo Bộ trưởng Bộ Công thương - ông Trần Tuấn Anh - kỷ lục 500 tỷ USD kim ngạch xuất nhập khẩu này có ý nghĩa rất lớn, giúp Việt Nam đạt mức xuất siêu năm thứ 4 liên tiếp. Kết quả này đạt được khi nhiều quốc gia trong khu vực và thế giới suy giảm xuất nhập khẩu (XNK).
Qua 11 tháng đầu năm, cả nước đã xuất siêu gần 11 tỷ USD, mức xuất siêu kỷ lục từ trước tới nay. Con số 500 tỷ USD kim ngạch XNK cũng giúp Việt Nam lọt Top 30 quốc gia có tăng trưởng XNK tốt trên thế giới. Nếu xét về tăng trưởng cả giai đoạn lên đến 13%, thì Việt Nam thuộc top đầu thế giới duy trì tăng trưởng cao, bền vững.
Theo Cục Xuất Nhập khẩu, Bộ Công thương, kết quả này có đóng góp rất lớn từ các doanh nghiệp nước ngoài, cũng như việc ký kết và thực thi các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới với Hàn Quốc, Liên minh Kinh tế Á - Âu, ASEAN… và gần nhất là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Hiện các nhóm thị trường mà Việt Nam đã ký kết và thực thi FTA đều có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu tốt. Qua 11 tháng, xuất khẩu sang Nhật Bản tăng 7,6%, sang Hàn Quốc tăng 10,1%; sang ASEAN tăng 2,5%... Đặc biệt, kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường thành viên CPTPP tăng trưởng rất cao. Xuất khẩu sang Canada tăng 27,2%, đạt 3,5 tỷ USD; sang Mexico tăng 29,5%, đạt 2,7 tỷ USD... trong 11 tháng qua.
|
||
Việc các FTA được ký kết đã góp phần thúc đẩy đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, qua đó đóng góp lớn cho thúc đẩy xuất khẩu của Việt Nam. 11 tháng, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng điện thoại và linh kiện đạt 48,53 tỷ USD; nhóm máy tính, sản phẩm và linh kiện đạt 32,39 tỷ USD; hàng dệt may đạt 29,87 tỷ USD… Đây là những nhóm hàng mà khu vực đầu tư nước ngoài có tỷ trọng đóng góp rất lớn. Thậm chí, với mặt hàng điện thoại, đồ điện tử và linh kiện, các doanh nghiệp ngoại đóng góp tới 98-99% kim ngạch xuất khẩu.
Thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung và kết quả cuộc bầu cử Anh đã đem lại tín hiệu lạc quan đã cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu 2020. Mỹ - Trung đã tuyên bố đạt được thỏa thuận thương mại, dự kiến ký kết vào đầu năm 2020. Chính phủ Trung Quốc cam kết sẽ cải thiện mức độ hiệu quả của chính sách tài khóa trong 2020. Nhật Bản cũng cho biết đang vạch ra biện pháp kích thích tài khóa mới. Tại Anh, chiến thắng áp đảo thuộc về Đảng Bảo thủ cầm quyền của Thủ tướng Boris Johnson đồng nghĩa với việc Anh sẽ ra khỏi EU vào ngày 31/1/2020.
Theo các chuyên gia kinh tế, những thông tin trên là tín hiệu tích cực, giúp giải tỏa tình trạng bấp bênh của nhiều nền kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thế giới trong năm 2020.
Cẩn trọng với gian lận xuất xứ
Năm 2020, Chính phủ Việt Nam đã trình và Quốc hội đã quyết nghị mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu chỉ là 7%. Tuy nhiên, báo cáo Chính phủ, Bộ KHĐT nhận xét, xuất khẩu năm 2020 sẽ khó khăn hơn.
Khả năng chiến tranh thương mại tiếp tục leo thang đã giảm, từ đó có lợi cho thương mại toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Tuy vậy, theo các chuyên gia kinh tế, rủi ro vẫn còn, khi khi Mỹ - Trung chưa thực sự ký kết thỏa thuận thương mại. Thêm vào đó, cần tiếp tục cẩn trọng với gian lận xuất xứ hàng hóa.
Một ví dụ được nhắc tới gần đây, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ từ Việt Nam sang Mỹ tăng rất mạnh. 11 tháng năm 2018 đạt kim ngạch là 3,5 tỷ USD, nhưng cùng kỳ năm nay đã lên tới hơn 4,7 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu dăm gỗ đang được chú ý, bởi công suất không tăng, song kim ngạch xuất khẩu tăng tới vài lần so với trước. Theo các chuyên gia, trong thành tích xuất nhập khẩu hơn 500 tỷ USD của Việt Nam năm 2019, có thể, cũng có yếu tố “xuất hộ”, “gian lận xuất xứ”. Đây là điều cần tính tới trong quản lý, điều hành xuất nhập khẩu năm 2020.
Các chuyên gia từ Viện Kinh tế Việt Nam lưu ý, xuất khẩu Việt Nam vào Mỹ tăng cao đột biến, nhưng đang có dấu hiệu chậm lại ở nhiều thị trường chủ chốt khác. Đến thời điểm này, Việt Nam có hơn 21 mặt hàng đạt giá trị xuất khẩu hơn 2 tỷ USD. Tuy nhiên, 17 mặt hàng chiếm gần 50% tổng giá trị xuất khẩu đã giảm về sản lượng cũng như giá trị xuất khẩu so với cùng kỳ.
Ông Nguyễn Trung Tiến, Phó Tổng cục trưởng Tổng Cục Thống kê, Bộ KHĐT cho biết, thị trường thế giới đến nay đã bão hòa. Các mặt hàng chủ lực Việt Nam xuất khẩu cũng đang được các nước sở tại mở rộng sản xuất. Điều đó buộc chúng ta phải thay đổi chiến lược xuất nhập khẩu.
Ông Trần Đình Thiên, Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ cũng khuyến cáo, các doanh nghiệp cần phải căn cứ vào nhu cầu thị trường của thế giới để tạo ra năng lực mới cho xuất khẩu của Việt Nam. Con số 500 tỷ USD còn có thể cao hơn nếu các doanh nghiệp có những thay đổi trong tư duy xuất khẩu, chuyển từ xuất thô sang các sản phẩm chế biến có giá trị cao hơn.
Mặc dù xuất khẩu năm 2020 sẽ đối diện với những khó khăn, thách thức bởi hiện giờ, nhiều mặt hàng chủ lực đã đến ngưỡng và có dấu hiệu sụt giảm các đơn hàng xuất khẩu trong năm tới. Tuy nhiên, nhìn ở một góc độ khác, những thách thức này cũng là cơ hội. Cơ hội để các doanh nghiệp có sự chuẩn bị trước về sản phẩm và thị trường. Từ đó có thể bứt phá, gia tăng giá trị cho các sản phẩm.
Ví dụ, trong tháng 11/2019, kim ngạch hàng nông lâm thủy sản của Việt Nam đã giảm 5,2 % so với cùng kỳ. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp xuất khẩu tiếp cận với công nghệ mới lại tăng giá trị xuất khẩu nhờ sản lượng và giá bán tăng. Đại diện một số doanh nghiệp cho biết, quan trọng nhất là vấn đề quản trị và chú trọng đầu tư công nghệ. Công nghệ mới, đáp ứng nhu cầu tiêu chuẩn của những thị trường khó tính như Nhật Bản, Đức, Anh... sẽ giúp các doanh nghiệp có sự chuẩn bị về sản phẩm và thị trường, từ đó có thể gia tăng bứt phá.