Xuất nhập khẩu cuối năm: Đảo chiều ngoạn mục, lập kỷ lục

Xuất nhập khẩu năm 2021 là điểm sáng của nền kinh tế. Vượt lên những khó khăn hoạt động xuất khẩu những tháng cuối năm đã đảo chiều ngoạn mục đưa Việt Nam trở thành quốc gia xuất siêu 6 năm liên tiếp.
xuat-khau.jpg

Kim ngạch kỷ lục 668,5 tỷ USD

Theo thống kê Bộ NN&PTNT, đến hết năm 2021, xuất khẩu thuỷ sản đạt 8,9 tỷ USD, tăng 5,7% so với cùng kỳ năm 2020, đạt 104,6% so kế hoạch. Nếu tính cả bột cá và thức ăn thủy sản (685,2 triệu USD), tổng giá trị xuất khẩu thủy sản năm 2021 đạt 9,57 tỷ USD.

Đây là kết quả rất đáng tự hào, bởi suốt từ tháng 7 đến hết tháng 9/2021, ngành thủy sản gần như bị “đóng băng” toàn bộ hoạt động nuôi thả, chế biến, xuất khẩu... bởi dịch bệnh Covid-19, nhất là tại TPHCM và đồng bằng sông Cửu Long. Nguồn cung nguyên liệu và nhân lực lao động bị đứt gãy, hàng loạt nhà máy chế biến phải đóng cửa, khó khăn chồng chất.

Tuy nhiên, từ tháng 11/2021, với hỗ trợ từ Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ, sau 2 tháng, nhiều doanh nghiệp đã hồi phục được năng lực sản xuất từ 70 - 90%, kèm theo đó là nhu cầu từ các thị trường tăng dịp cuối năm, giá nhập khẩu cũng có xu hướng tăng.

Thủy sản không phải là ngành duy nhất “quay đầu” trong xuất nhập khẩu. Trong bối cảnh làn sóng Covid-19 hoành hành, giãn cách xã hội khiến chuỗi cung ứng bị đứt gãy. Trong quý 3, hoạt động xuất nhập khẩu trầm lắng, nhập siêu quay trở lại.

xuat-khau-tom.jpg

Tuy nhiên, từ tháng 9, đặc biệt là trong quý cuối cùng của năm, thương mại hàng hóa của Việt Nam đã sôi động trở lại, liên tục thiết lập các dấu mốc mới.

Bên cạnh thủy sản, theo Bộ NN&PTNT, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản năm 2021 đã “ngược dòng” đạt mức cao kỷ lục 48,6 tỷ USD, tăng 14,9% so với năm trước, vượt xa chỉ tiêu Chính phủ giao.

Trong đó, có nhiều ngành xuất khẩu nông nghiệp tiếp tục đứng đầu thế giới như như xuất khẩu điều và hồ tiêu đứng đầu thế giới, khi chiếm khoảng 60% lượng hạt tiêu xuất khẩu toàn cầu; gạo, cà phê, giầy dép đứng thứ 2…

Tính chung cả năm năm 2021, cả nước có 35 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 93,8% tổng kim ngạch xuất khẩu. Trong đó, có 8 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 69,7%.

Kim ngạch xuất khẩu cả năm 2021 đạt 336,25 tỷ USD, tăng 19% so với năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 88,71 tỷ USD, tăng 13,4%, chiếm 26,4% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 247,54 tỷ USD, tăng 21,1%, chiếm 73,6%.

Chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu đạt 332,25 tỷ USD, tăng 26,5% so với năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 114,07 tỷ USD, tăng 21,8%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 218,18 tỷ USD, tăng 29,1%. Trong năm 2021 có 47 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 94,1% tổng kim ngạch nhập khẩu.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng, kim ngạch xuất nhập khẩu vượt mốc 668 tỷ USD đã đưa Việt Nam vào nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đánh giá, đây là thành tựu rất lớn của các doanh nghiệp Việt Nam bởi năm vừa qua, cả nước đã chịu tác động nặng nề của dịch Covid-19. Đặc biệt, thời điểm dịch bùng phát lần thứ tư đã tấn công thẳng vào khu vực là động lực sản xuất hàng hóa ở cả hai miền Nam - Bắc.

Những tháng cuối năm ghi nhận sự hồi phục và bật tăng mạnh mẽ của các ngành hàng xuất khẩu. Nhưng chiều ngược lại, nhập khẩu tăng cao so với cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, điểm sáng trong nhập khẩu cao là nhập khẩu chủ yếu nguyên liệu sản xuất. Nhóm hàng này chiếm tỷ trọng lớn cho thấy sản xuất trong nước đang hồi phục, các doanh nghiệp đẩy mạnh nhập khẩu nguyên liệu để phục vụ xuất khẩu cuối năm 2021 và đầu năm 2022.

Đổi mới phương thức trên nền truyền thống

Các chuyên gia dự báo, năm 2022, xuất nhập khẩu của Việt Nam sẽ tiếp tục khởi sắc. TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế nhận định: Trước bối cảnh Việt Nam phần nào khống chế được dịch bệnh đã góp phần tạo sự phục hồi tốt hơn từ các đối tác thương mại lớn như Hoa Kỳ, Trung Quốc, EU, ASEAN... Dự báo năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu có thể tăng trưởng từ 13 - 15%.

xuat-khau-cuoi-nam.jpg

Theo ông Tim Evan, Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam, dự báo năm 2022 kinh tế Việt Nam có thể lấy lại nhịp tăng trưởng GDP ở mức 6,8%, với động lực chủ yếu tăng trưởng nhờ dòng vốn FDI trở lại mạnh mẽ.

“Điều này sẽ thúc đẩy xuất khẩu cho Việt Nam, đặc biệt là trong bối cảnh các hiệp định tự do thương mại mà Việt Nam ký trong vòng hai năm qua bắt đầu mang lại trái ngọt”, lãnh đạo HSBC bày tỏ.

Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cũng nhìn nhận, năm 2022, khu vực châu Á sẽ chứng kiến sự phục hồi xuất khẩu vượt trội và Việt Nam là quốc gia tiếp tục tận dụng được cơ hội để tăng tốc xuất khẩu. Vì vậy, doanh nghiệp Việt Nam cần nhanh chóng nắm bắt cơ hội này để đẩy mạnh xuất khẩu trong năm 2022, nâng cao chất lượng hàng hóa để tiến sâu vào nhiều thị trường lớn.

Để làm được điều này, theo ông Trịnh Minh Anh, Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế và kinh tế, Việt Nam cần tận dụng tốt những FTA và các nhóm hàng ta có lợi thế.

“Chúng ta cần phải tập trung các giải pháp củng cố và mở rộng thị trường xuất khẩu, tận dụng tối đa lợi thế từ các FTA đã có hiệu lực, hướng dẫn doanh nghiệp chú trọng vào các thị trường nhỏ và thị trường ngách. Đồng thời, tăng cường quản lý xuất khẩu, nhập khẩu một số mặt hàng chiến lược”, ông Trịnh Minh Anh nhấn mạnh.

Cụ thể, trong năm 2022, Việt Nam vẫn nên chú trọng xuất khẩu vào các thị trường như Mỹ, Trung Quốc, EU, Asean… với các nhóm hàng chủ lực như nông lâm sản, công nghiệp chế tạo…

Nhưng trước hết, cần xây dựng thị trường trong nước ổn định khi thực hiện tốt Nghị quyết 128 của Chính phủ để đảm bảo sản xuất không bị đứt gãy, đảm bảo cung ứng đủ nguyên liệu, thiết bị cho doanh nghiệp.

Phía doanh nghiệp phải tiếp tục nâng cao chất lượng ngành hàng, hướng tới chinh phục những thị trường khó tính nhưng đảm bảo bền vững.

Thương mại trực tuyến là một kênh giới thiệu, quảng bá sản phẩm đã tỏ ra hữu hiệu trong thời gian dịch bệnh, do đó, ông Anh cho rằng, trong thời gian tới nên tiếp tục xúc tiến thương mại qua thương mại trực tuyến để đa dạng hóa kênh phân phối.

Về phía Chính phủ, ông Trịnh Minh Anh cho rằng, cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong nước, nhất là đặc thù 97% doanh nghiệp vừa và nhỏ, có nguồn vốn để tái hoạt động sản xuất, phát huy hết năng lực của doanh nghiệp.

Theo Đời sống
back to top