Xuất khẩu gỗ và lâm sản đạt hơn 5 tỷ USD trong 6 tháng

(khoahocdoisong.vn) - Theo Báo cáo của Tổng cục Lâm Nghiệp (Bộ NN&PTNT), tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất lâm nghiệp trong 6 tháng năm 2020 đạt 2,16% (thấp hơn 1,03% so với cùng kỳ năm ngoái). Ngành lâm nghiệp đạt được nhiều kết quả nổi bật trong sản xuất kinh doanh.

Cụ thể, tính đến ngày 30/6/2020, cả nước đã trồng 106.300ha rừng tập trung, đạt 48,3% kế hoạch năm, tăng 0,2% so với cùng kỳ năm 2019. Ước cả năm đạt khoảng 220.000ha, đạt 100% kế hoạch năm. Tỷ lệ diện tích rừng trồng từ nguồn giống có kiểm soát và chứng nhận đạt 85%.

Về chi trả dịch vụ môi trường rừng, tổng số tiền đã thu được 858,9 tỷ đồng, đạt 30% kế hoạch thu năm 2020, bằng 71% so với cùng kỳ năm 2019. Ước tính cả năm 2020 thu đạt 2.800 tỷ đồng.

Giá trị xuất khẩu lâm sản trong 6 tháng đầu năm ước đạt trên 5,3 tỷ USD, tăng 2,7% so với cùng kỳ năm 2019; ước cả năm đạt 11,75 - 12 tỷ USD. Giá trị nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt khoảng 1,12 tỷ USD, giảm 8,8% so cùng kỳ 2019. Dự báo giá trị nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ cả năm đạt khoảng 2,55 tỷ USD, tương đương năm 2019. Trong bối cảnh dịch Covid-19, trị giá hàng xuất khẩu vẫn tăng 2,7% góp phần quan trọng vào kim ngạch xuất khẩu chung của toàn ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Bên cạnh kết quả khả quan trên, ngành lâm sản cũng gặp phải nhiều khó khăn với tình trạng khai thác gỗ trái phép và cháy rừng đang tăng lên.

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, một bộ phận lớn lao động phổ thông không có việc làm, đã trở về địa phương, tìm cách khai thác rừng trái pháp luật để kiếm thu nhập.

Ngoài ra, điều kiện khí hậu nắng nóng gay gắt, hanh khô kéo dài, trùng vào mùa đốt nương rẫy của đồng bào miền núi, nên đã xảy ra một số vụ cháy rừng gây thiệt hại, cũng như ảnh hưởng tiến độ trồng rừng của một số địa phương.

Về triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm, ngành sẽ đảm bảo hoàn thành mục tiêu năm 2020 giảm 10% số vụ vi phạm và 20% về diện tích rừng bị thiệt hại so với năm 2019; ứng dụng công nghệ tiên tiến trong phát hiện sớm, cảnh báo nguy cơ cháy rừng, theo dõi diễn biến rừng.

Thứ trưởng Hà Công Tuấn đề nghị, toàn ngành cần tiếp tục tập trung, nhìn rõ dư địa lĩnh vực còn khai thác được để đẩy mạnh khai thác, đồng thời cũng phải nhìn rõ cả những hạn chế yếu kém để kịp thời khắc phục, đặc biệt tập trung vào giải quyết vấn đề thị trường. Bởi nếu mất thị trường quốc tế, xuất khẩu lâm sản sẽ sụt giảm ngay. 

Đồng thời, triển khai tích cực Hiệp định đối tác tự nguyện giữa Liên minh châu Âu và Việt Nam về thực thi lâm luật, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT), nắm bắt đón cơ hội từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA); có chương trình để truy xuất nguồn gốc (C/O).

Theo Đời sống
back to top