<div> <p>Chiều 30/6, một vùng áp thấp trên vùng biển phía bắc quần đảo Hoàng Sa. Theo Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, vùng áp thấp hầu như ít dịch chuyển trong 24 giờ tới.</p> <p>Tuy nhiên, sau đó, vùng áp thấp có khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới, di chuyển theo hướng tây tây bắc. Đến 13h ngày 2/7, vị trí tâm áp thấp nằm trên vùng biển phía đông đảo Hải Nam (Trung Quốc). Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm ở cấp 6-7, giật cấp 9.</p> <p>Ngày 3-4/7, hình thái thời tiết cực đoạn này diễn biến phức tạp và có khả năng di chuyển về phía đất liền nước ta, ảnh hưởng trực tiếp đến Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ.</p> <table align="center"> <tbody> <tr> <td><img alt="Xuat hien vung ap thap tren Bien Dong, co the huong vao Viet Nam hinh anh 1 " src="https://khds.1cdn.vn/2019/06/30/ap_thap_bien_dong_306(1).jpg" /></td> </tr> <tr> <td class="pCaption caption">Vùng áp thấp được dự báo phát triển thành áp thấp nhiệt đới và có hướng đi tiến vào đất liền trong 3 ngày tới. Ảnh: <em>NCHMF. </em></td> </tr> </tbody> </table> <p>Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cảnh báo với việc hình thành, phát triển ngay trên Biển Đông trong thời gian ngắn và kết hợp các yếu tố như nhiệt độ bề mặt nước biển cao, tương tác với các hệ thống thời tiết ở lục địa nên chưa thể lường trước được việc vùng áp thấp có phát triển thành áp thấp nhiệt đới hay bão.<strongr></strongr></p> <p>Cơ quan khí tượng đề nghị các đơn vị theo dõi chặt chẽ và cập nhật tình hình thường xuyên những diễn biến.</p> <p>Ngoài ra, do ảnh hưởng của gió mùa Tây Nam có cường độ mạnh, trong ngày 1/7, các vùng biển từ Bình Thuận đến Kiên Giang, vịnh Thái Lan và khu vực Biển Đông sẽ có mưa rào và dông rải rác, khả năng kèm theo lốc xoáy, gió giật mạnh.</p> <p>Vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau và vùng biển phía tây khu vực Nam Biển Đông (bao gồm vùng biển phía tây quần đảo Trường Sa) có gió Tây Nam mạnh cấp 5-6, giật cấp 8. Sóng biển cao 2-3 m.</p> </div> <p> </p>