Xuân phân đến sớm nhất trong 1 thế kỷ

(khoahocdoisong.vn) - Vì sao năm nay xuân phân lại đến sớm hơn các năm khác?

Hỏi: Vì sao năm nay xuân phân lại đến sớm hơn các năm khác?

Trần Hà My (Hà Nội)

Ông Đặng Vũ Tuấn Sơn, Hội Thiên văn học trẻ Việt Nam: Xuân phân là ngày đánh dấu sự bắt đầu của mùa xuân. Vào ngày này, thời gian ban ngày và ban đêm sẽ dài bằng nhau, Mặt Trời sẽ mọc đúng ở hướng đông và lặn đúng ở hướng tây. Trục của Trái Đất sẽ vuông góc với tia sáng của Mặt Trời khiến mọi nơi trên hành tinh đều được chiếu sáng đầy đủ như nhau. Trong năm nay, xuân phân sẽ diễn ra vào 19/3 thay vì 20/3 như thường năm và đây là ngày xuân phân sớm nhất trong hơn 1 thế kỷ qua.

Như thường lệ vào mọi năm, xuân phân sẽ diễn ra vào ngày 20/3 hoặc 21/3 khi Trái Đất đạt 0 độ kinh độ Mặt Trời. Nhưng trong năm 2020, xuân phân sẽ diễn ra vào 19/3. Lần trước xuân phân diễn ra vào ngày này là từ năm 1896, tức là đã 124 năm mới có một ngày xuân phân 19/3. Xuân phân qua từng năm sẽ có thời gian xảy ra khác nhau và cứ 4 năm sẽ xảy ra sớm nhất so với 3 năm còn lại. Không giống như ngày chí diễn ra vào mùa hè và mùa đông, ngày phân diễn ra vào mùa xuân và mùa thu sẽ xảy ra khi trục Trái Đất thẳng đứng và vuông góc với tia sáng Mặt Trời.

Cứ mỗi năm trôi qua, Trái Đất lần lượt đi qua 2 điểm phân và 2 điểm chí. Tuy vậy trong thực tế, một năm của chúng ta không chính xác là 365 ngày mà bị dư ra 0,242189 ngày. Để đảm bảo lịch dùng trên Trái Đất được đồng bộ chính xác với quỹ đạo của Trái Đất quanh Mặt Trời, người ta cho thêm 1 ngày nhuận cứ sau 4 năm - năm 2020 chính là năm nhuận với ngày 29/2 nhuận. Thay vì xuân phân sẽ đến sớm hơn mỗi 0,242189 ngày (khoảng 5 tiếng 49 phút) qua từng năm, thì năm 2020 với một ngày nhuận chèn vào sẽ khiến xuân phân năm nay đến sớm hơn hẳn 24 giờ, và như vậy chúng ta có ngày xuân phân đến sớm nhất trong 124 năm qua.

Theo Đời sống
back to top