Hiện nay, trên địa bàn quận Long Biên có 513 cơ sở hành nghề y dược ngoài công lập. Từ đầu năm đến nay, đoàn kiểm tra của quận và các phường đã kiểm tra 274 lượt cơ sở.
Theo đó, các đoàn kiểm tra đã phát hiện 43 trường hợp vi phạm, trong đó xử phạt vi phạm hành chính đối với 29 cơ sở với tổng số tiền phạt gần 160 triệu đồng; đình chỉ hoạt động 3 nhà thuốc, 11 phòng khám hành nghề không phép.
Phòng y tế quận đã phối hợp với Sở Y tế Hà Nội trong hoạt động thẩm định, cấp giấy phép hoạt động cho 12 cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; kiểm tra, cấp giấy chứng nhận thực hành tốt nhà thuốc GPP cho 38 nhà thuốc; tổ chức hướng dẫn thực hiện phần mềm quản lý cơ sở cung ứng thuốc tại các nhà thuốc.
Để thực hiện tốt công tác quản lý hoạt động hành nghề y dược ngoài công lập trên địa bàn, đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cần tiếp tục đảm bảo các phòng khám bệnh, các buồng bệnh thông thoáng, chuẩn bị sẵn sàng cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác sơ cấp cứu.
Đặc biệt xử trí các trường hợp say nắng say nóng, xử lý chất thải y tế, phòng chống nhiễm khuẩn, niêm yết và thu giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, quảng cáo dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh.
Các nhà thuốc tiếp tục thực hiện đúng các tiêu chuẩn thực hành tốt nhà thuốc GPP, vận hành thường xuyên các trang thiết bị (điều hòa, tủ lạnh, nhiệt kế, quạt thông gió,…) để đảm bảo các điều kiện bảo quản thuốc trong mùa nắng nóng; cập nhật đầy đủ hoạt động mua thuốc, bán thuốc trên cơ sở dữ liệu dược Quốc gia.
Thời gian qua, trên địa bàn TP Hà Nội xảy ra một số vụ tai biến y khoa tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh ngoài công lập gây ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí gây tử vong người bệnh, gây tâm lý bất an của người dân khi sử dụng dịch vụ y tế.
Sở Y tế đã ban hành Công văn số 1832/SYT-QLHN gửi UBND các quận, huyện, thị xã về quản lý hoạt động hành nghề y dược ngoài công lập trên địa bàn, yêu cầu tăng cường việc kiểm tra, giám sát hoạt động của các cơ sở hành nghề. Tập trung kiểm tra, giám sát các nội dung: Chứng chỉ hành nghề của người hành nghề, việc công khai bảng giá dịch vụ y tế, giá thuốc, các hoạt động quảng cáo, việc thực hiện quy chế chuyên môn, quy trình kỹ thuật...
Thực hiện xử lý, xử phạt đối với các cơ sở hành nghề có vi phạm quy định trong quá trình hoạt động. Tăng cường hình thức, mức độ xử phạt đối với các cơ sở có hành vi vi phạm, tái phạm nhiều lần; Có các hình thức tuyên truyền, khuyến cáo người dân không thực hiện các dịch vụ tiêm thuốc, truyền dịch tại nhà và tại các phòng khám tư nhân chưa được Sở Y tế cấp phép thực hiện kỹ thuật tiêm truyền.