Xử lý tránh nhiễm độc thủy ngân từ nhiệt kế

(khoahocdoisong.vn) - Nếu không may làm vỡ nhiệt kế thủy ngân thì phải xử lý thế nào tránh nhiễm độc?

Hỏi: Nếu không may làm vỡ nhiệt kế thủy ngân thì phải xử lý thế nào tránh nhiễm độc?

Nguyễn Thị Giang (Hà Nội)

PGS.TS Trần Hồng Côn, nguyên giảng viên Khoa Hóa, Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội: Mặc dù đã có nhiệt kế điện tử, nhiều gia đình vẫn dùng thêm nhiệt kế thủy ngân để tăng độ chính xác. Thứ không thể thiếu trong gia đình này tiềm ẩn mối nguy hiểm khi trẻ nhỏ nghịch, cắn phải… Rất có thể bé sẽ hít phải loại khí độc hại này. Nếu thủy ngân vỡ, trẻ hít phải có thể xảy ra ngộ độc thủy ngân cấp vào thận gây biến chứng về suy thận, viêm thận. Nếu hít phải trực tiếp vào máu, phổi sẽ rất độc.

Trường hợp thủy ngân trong nhiệt kế bị vỡ, chảy ra ngoài không dùng máy hút vì thủy ngân bay hơi, người hít phải dễ bị ngộ độc. Chúng ta có thể loại bỏ thủy ngân bằng cách gạt hoặc quét đi bằng chổi lông mềm. Cũng có thể dùng bông ướt để thu gom mảnh vỡ và thủy ngân trên mặt đất. Khi thu gom nhớ đeo găng tay, không để cho giọt thủy ngân tiếp xúc với da tay và làm nhẹ nhàng tránh các hạt thủy ngân bị phân ly thành nhiều hạt nhỏ. Bông ướt sau khi thu gom cần cho vào túi nilon vứt vào thùng phân loại rác, tránh vứt xuống nước làm ảnh hưởng đến mạch nước ngầm. Sau từ 1 - 2 tiếng có thể bắt tay vào lau dọn nền nhà lại cho sạch sẽ.

Thủy ngân trong nhiệt kế là dạng thủy ngân nguyên chất, thể lỏng, không tan trong nước, có thể bốc hơi tương đối ở nhiệt độ phòng. Khi các hạt thủy ngân này được tiêm qua da hoặc xâm nhập vào vết thương rất dễ hấp thu vào máu, gây độc cơ thể, đặc biệt ở vị trí nhiều mạch máu. Trường hợp thủy ngân dính vào quần áo cần ngâm quần áo trong nước lạnh 30 phút, ngâm thêm 30 phút nữa trong nước xà phòng ở nhiệt độ 70 - 80 độ C. Sau đó ngâm 20 phút trong nhiệt độ cao trong nước pha hóa chất và xả bằng nước lạnh. Cho trẻ đến cơ sở y tế ngay lập tức nếu tiếp xúc với thủy ngân để giải độc.

Theo KH&ĐS
back to top