Xử lý thông tin sai lệch trên mạng về Kỳ thi tốt nghiệp THPT
Mai Loan
Bộ Công an tiến hành rà soát các thông tin trên mạng, xử lý những thông tin sai lệch liên quan, ảnh hưởng đến an ninh, an toàn của kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Phát hiện, xử lý hành vi mua bán thiết bị công nghệ cao gian lận thi cử
Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng (Bộ GD&ĐT) Huỳnh Văn Chương cho biết: Năm nay có tất cả 1.024.063 thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT.
Trong đó có 37.841 thí sinh tự do, chiếm 3,69% tổng số thi sinh; có 968.160 thí sinh đăng ký trực tuyến, chiếm 95% tổng số thí sinh. Tổng số thí sinh đăng ký miễn thi Ngoại ngữ là 46.670 thí sinh chiếm 4,55% tổng số thí sinh.
Thí sinh tham dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022. Ảnh: Trần Hải.
Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT Nguyễn Đức Cường cho hay: Với tinh thần chủ động, phòng ngừa từ sớm, từ xa, Thanh tra Bộ GD&ĐT đã thực hiện theo nguyên tắc kế thừa, phát huy những ưu điểm của những năm qua và hạn chế, bổ sung những vấn đề liên quan đến các điểm mới.
Xác định con người là yếu tố quan trọng nhất, Thanh tra đã tổ chức các hội nghị tập huấn cho các cán bộ về nghiệp vụ thanh tra, kiểm tra, thành lập 63 đoàn kiểm tra, thanh tra công tác tổ chức thi tại các địa phương.
Hiện nay, 53/63 tỉnh đã có đường dây nóng để phản ánh thông tin kịp thời, đảm bảo an ninh, an toàn. Ngoài ra, Thanh tra còn thành lập 10 đoàn tham gia kiểm tra sâu các nội dung chuẩn bị, tổ chức kỳ thi tại một số địa phương.
Phải đảm bảo các khâu của kỳ thi đều được kiểm tra. Không được để một cán bộ nào không được tham gia tập huấn mà tham gia vào kỳ thi. Cán bộ phải được tập huấn đầy đủ, hiểu công việc được giao, được làm.
Thiếu tướng Lê Minh Mạnh, Đại diện Bộ Công an cho biết, Bộ Công an đã triển khai, thực hiện nghiêm túc đồng bộ từ trung ương đến địa phương các công tác chuyên môn, nghiệp vụ để phục vụ, đảm bảo an toàn, an ninh cho toàn kỳ thi, tránh để xảy ra bất cứ sai sót nào.
Bộ Công an cũng đã phối hợp với các đơn vị chức năng để kiểm tra, đánh giá các an toàn trong các khâu của kỳ thi, đặc biệt là sử dụng công nghệ thông tin phục vụ kỳ thi. Ngoài ra, Bộ Công an cũng tiến hành rà soát các thông tin trên mạng, xử lý những thông tin sai lệch liên quan, ảnh hưởng đến an ninh, an toàn của kỳ thi.
Đối với các thiết bị gian lận trong kỳ thi, đặc biệt là thiết bị công nghệ cao, Bộ Công an đã thực hiện rà soát, phát hiện và xử lý những hành vi mua bán các thiết bị ghi âm, ghi hình, gian lận thi cử.
Để đảm bảo an toàn, an ninh tuyệt đối, Bộ Công an tiếp tục tập huấn, lưu ý với cán bộ tại các điểm thi về thiết bị ghi âm, ghi hình, thiết bị lưu trữ tại các điểm thi, tránh xảy ra những sai sót không đáng có.
"4 đúng - 3 không” trong tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023
Làm việc với Ban Chỉ đạo thi tỉnh Đồng Nai ngày 23/6, Trưởng Ban Chỉ đạo thi quốc gia Phạm Ngọc Thưởng đề cập quan điểm chỉ đạo “4 đúng - 3 không” trong tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023. “4 đúng” là đúng quy chế và hướng dẫn thi; đúng đủ quy trình, không được bỏ bất cứ một quy trình nào; đúng vị trí chức trách nhiệm vụ được giao; đúng thời điểm, kịp thời xử lý các tình huống bất thường - “ba không” là không lơ là chủ quan; không tự ý xử lý tình huống bất thường; không căng thẳng, áp lực quá mức.
Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến về thi tốt nghiệp THPT năm 2023, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cho biết, đến thời điểm này, công tác chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 được thực hiện hết sức nghiêm túc theo Chỉ thị 17 của Thủ tướng Chính phủ với tinh thần chủ động, khẩn trương, kỹ lưỡng, chu đáo, toàn diện; hướng tới Kỳ thi an toàn, nghiêm túc, công bằng, khách quan, đúng quy chế”
Nhận định về khó khăn của Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023, Thứ trưởng cho hay, lứa học sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm nay có 2 năm bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, do đó các trường tăng cường tổ chức ôn tập, thi thử.
Khó khăn nữa là có thể xuất hiện tâm lý chủ quan vì nghĩ rằng công việc này nhiều năm đã làm; chủ quan từ chuẩn bị phương tiện, trang thiết bị đến công tác kiểm tra, giám sát các quy trình - điều này cần phải được quán triệt tuyệt đối.
Ngoài ra, tình hình thời tiết cực đoan, khắc nghiệt, nắng nóng, thiếu điện… cũng là những khó khăn cần phải có phương án dự phòng.
Thứ trưởng nhấn mạnh: Kỳ thi tổ chức trên quy mô lớn, cùng một thời điểm với sự tham gia của trên 1 triệu thí sinh, khoảng 250 nghìn người tham gia ở các vùng miền địa hình khác nhau, nên công tác bảo đảm an ninh, an toàn cần phải có kế hoạch, giải pháp. Cùng với đó, Kỳ thi có thể xảy ra nhiều tình huống bất thường, chưa có tiền lệ, từ thiên tai, thời tiết, đến phương tiện kỹ thuật, yếu tố con người - cần lường trước để rà soát tối đa.
>>> Mời quý độc giả xem video thí sinh ra khỏi phòng thi môn Toán vào lớp 10 THPT tại Hà Nội: