<div> <p>Công an huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng, đang điều tra việc bà Trần Thị Tuyến (người địa phương) tổ chức đám tang giả với nguyên nhân được cho là để trốn nợ.</p> <p>Chính quyền sở tại cho biết bà Tuyến nợ nần nhiều người nên sang Đồng Tháp tránh mặt. Chiều 29/3, bà mua cỗ quan tài rồi thuê xe chở về nhà để tổ chức đám tang giả nhưng bị công an phát giác.</p> <p>Theo dõi sự việc, nhiều người thắc mắc bà Tuyến và những người liên quan sẽ bị xử lý ra sao?</p> <table> <tbody> <tr> <td><img alt="to chuc dam tang gia anh 1" src="https://khds.1cdn.vn/2021/04/01/znews-photo-zadn-vn_dam_tang_gia.jpg" title="tổ chức đám tang giả ảnh 1" /></td> </tr> <tr> <td class="pCaption caption"> <p>Đám tang giả tổ chức tại nhà bà Tuyến. Ảnh: <em>Nhật Tân. </em></p> </td> </tr> </tbody> </table> <p>Luật sư Trần Xuân Tiền (Trưởng văn phòng luật Đồng Đội) nhận định người phụ nữ đã có dấu hiệu lợi dụng yếu tố tâm linh, gây ảnh hưởng tới an ninh trật tự ở địa phương. Tuy nhiên, cơ quan điều tra cần làm rõ động cơ, mục đích của việc tổ chức đám tang giả để xác định chính xác vì sao người phụ nữ này làm việc đó.</p> <p>Ông Tiền phân tích nếu bà Tuyến tổ chức đám tang nhằm nhận tiền phúng điếu của người đi viếng, thì người phụ nữ cùng thân nhân có thể bị xem xét xử lý về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản với tình tiết định khung "dùng thủ đoạn xảo quyệt" theo quy định tại Khoản 2 Điều 174 Bộ luật hình sự 2015.</p> <p>Trường hợp bà Tuyến giả chết nhằm trốn tránh trách nhiệm trả nợ, người này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản với tình tiết định khung tương tự, được quy định tại Điều 175 Bộ luật hình sự 2015.</p> <p>Nếu bị khởi tố về một trong 2 tội danh với tình tiết nêu trên, mức án tối đa người phụ nữ phải đối mặt là 7 năm tù.</p> <p>Có cùng quan điểm trên, luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng văn phòng luật sư Chính pháp) nhận định bà Tuyến cùng các con đã có dấu hiệu lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản hoặc lừa đảo chiếm đoạt tài sản.</p> <p>Theo ông Cường, nếu kết quả xác minh cho thấy người phụ nữ và con cái thống nhất dùng thủ đoạn để người khác trao tiền rồi chiếm đoạt, thì đó là lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Còn việc nhận tiền của người khác thông qua các giao dịch dân sự hợp pháp, sau đó dùng thủ đoạn để trốn tránh nghĩa vụ trả nợ thì đó là lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.</p> <p>Các luật sư đánh giá ngoài xác định bản chất của hành vi, số tiền mà người phụ nữ muốn chiếm đoạt (nếu có) cũng là yếu tố quan trọng, quyết định chế tài có thể áp dụng đối với bà Tuyến.</p> <p>Nếu số tiền chiếm đoạt trên 500 triệu đồng, khung hình phạt dành cho bà Tuyến là 12-20 năm tù (tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản) và 12-20 năm tù hoặc tù chung thân (tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản).</p> <p>Nếu số tiền chiếm đoạt dưới 500 triệu đồng, mức án tối đa người phụ nữ có thể đối mặt cho tội danh lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản và lừa đảo chiếm đoạt tài sản lần lượt là 12 và 15 năm tù.</p> <table class="article"> <tbody> <tr> <td> </td> </tr> </tbody> </table> <table class="article"> <tbody> <tr> <td> </td> </tr> </tbody> </table> </div> <p> </p>