Ở nước ta hiện nay pin qua sử dụng hầu hết đều được vứt vào sọt rác.
Xử lý tại nhà
TS Nguyễn Phan Kiên, Bộ môn Điện tử Y sinh, Viện Điện tử Viễn thông, Đại học Bách Khoa Hà Nội: Pin là sản phẩm có mặt trong rất nhiều thiết bị như đồng hồ, điều khiển từ xa, xe đạp điện, đồ chơi trẻ con… Trong số các loại pin này, có rất nhiều loại pin khác nhau có thể chứa các hóa chất nguy hiểm. Bao gồm: chì, cadmium, kẽm, lithium và thậm chí cả thủy ngân.
Thông thường các loại pin đều được vứt thẳng vào thùng rác. Sau đó được đưa đến bãi rác. Khi pin bắt đầu phân hủy tại các bãi rác, các hóa chất này có thể bị rò rỉ vào đất. Có thể gây ô nhiễm đất và nước. Khi hóa chất làm ô nhiễm đất và nước thì động vật, con người và môi trường có thể bị tổn hại.
Hiện nay rất nhiều nước đã tìm cách để tách các loại pin này ngay từ đầu nguồn sử dụng.
Ví dụ ở Anh, trước đây, pin sẽ được người dân vứt vào thùng rác. Sau đó, đơn vị thu gom sẽ sử dụng các loại máy móc đến các thùng rác để rà soát và thu gom.
Tuy nhiên, hiện nay đã có luật về tái chế pin bắt đầu có hiệu lực từ năm 2010. Cho tới nay, họ cũng đang bán các thùng chứa pin riêng để mọi người có thể vứt bỏ các loại pin đã qua sử dụng. Thậm chí ở các vùng thị trấn nhỏ, thư viện, trường học họ đều có các thùng vứt pin riêng.
Không chỉ thu gom, các quy trình tái chế pin cũng được xây dựng đầy đủ. Các loại vật liệu thu hồi sau tái chế được chỉ ra và hướng dẫn cụ thể về cách dùng. Ví dụ như tái chế các loại ắc quy dựa trên các điện cực dạng axit thì các vật liệu tái chế này bao gồm chì, Polypropylene và gypsum.
Các vật liệu này sẽ được khuyến khích tái sử dụng vào việc sản xuất ắc quy hoặc cho mảng nông nghiệp và công nghiệp (ví dụ là chất độn cho bột giặt chẳng hạn). Nhưng pin Nickel thì sau khi tái chế, vật liệu thu hồi là Nickel, thép và Cadmium nhưng các loại này sẽ được sử dụng cho công nghiệp sắt và cấm được sử dụng lại để sản xuất pin…
TS Nguyễn Phan Kiên: Cách đơn giản nhất để phân loại pin là dựa theo cấu trúc của nó. Như: Pin có sử dụng các loại điện cực dạng axit… ví dụ các loại ắc quy ô tô. Loại pin ôxít bạc thường sử dụng trong đồng hồ, các loại đồ chơi và một số các thiết bị y tế; pin Lithium… Ngoài ra còn các loại pin khác như Nikel- Cadmium (Ni-Cd)
Đừng vứt vào sọt rác
Theo TS Nguyễn Phan Kiên, hiện nay, chúng ta chưa thể tách các loại pin từ đầu nguồn. Chủ yếu các từ các đơn vị xử lý rác thải phải thực hiện là chính. Ngoài ra, lực lượng thu mua phế thải hiện cũng đang góp phần phân loại rác thải. Họ đang là những người tái chế một phần. Vì khi họ tách được các vật liệu ra, họ cũng thu được một số tiền cao hơn một chút so với không tách.
Tuy nhiên, việc này thường ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe của người đó. Quan trọng là phải có chế tài và các công nghệ để xử lý nguồn pin này. Một khi đã có luật thì việc xử lý là không khó.
Trong khi chờ đợi, chúng ta cũng đừng “ngồi yên”.
KS Trương Văn Hùng, Trung tâm Dịch vụ Kỹ thuật Hùng Lâm, có một cách đơn giản là sử dụng một chiếc chai/ lọ sạch. Cho những chiếc pin đã qua sử dụng vào trong thay vì vứt thẳng vào thùng rác. Các cơ quan chức năng có thể tổ chức các điểm thu gom rác thải điện tử. Người dân mang tới các địa điểm này để thu gom. Trong thời gian qua đã có một số đơn vị thực hiện việc thu gom rác thải điện tử tại nhà.
Năm 2017, chương trình Việt Nam Tái Chế đã thu gom rác thải điện tử tận nhà tại Hà Nội. Các tình nguyện viên đến tận các hộ gia đình để thu các thiết bị điện, điện tử hư hỏng.
Huy Khánh