Xử lý nghiêm các cây xăng đóng cửa, găm hàng nhằm trục lợi

Phó thủ tướng Lê Văn Thành vừa yêu cầu Bộ Công Thương không để thiếu xăng dầu phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân, đồng thời thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi găm hàng nhằm trục lợi.

Chiều 8/2, Phó thủ tướng Lê Văn Thành đã chủ trì cuộc họp về tình hình sản xuất, cung ứng xăng dầu cho thị trường trong nước.

toan-canh-cuoc-hop..jpg
Toàn  cảnh cuộc họp do Phó thủ tướng Lê Văn Thành đã chủ trì.

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, hiện nay, nguồn cung xăng dầu trong nước đáp ứng khoảng 75% nhu cầu thị trường, còn lại 25% là nhập khẩu.

Tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu thuộc hệ thống của các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu lớn (chiếm trên 90% thị phần), việc bán hàng vẫn được duy trì liên tục từ trước Tết Nguyên đán đến nay.

Tuy nhiên, thời gian qua, tại một số địa phương có hiện tượng một số cửa hàng xăng dầu ngừng bán hàng với lý do thiếu nguồn cung. Sự việc này đã được Bộ Công Thương chỉ đạo Sở Công Thương phối hợp với lực lượng quản lý thị trường kiểm tra, theo đó, hầu hết các cửa hàng xăng dầu ngừng bán hàng do lấy nguồn hàng từ các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu nhỏ. Ngoài ra, một số doanh nghiệp có hiện tượng hạn chế bán hàng ra để chờ tăng giá.

Các bộ, ngành, doanh nghiệp đầu mối cũng khẳng định, tình trạng thiếu hụt xăng dầu chỉ xảy ra cục bộ tại cửa hàng đại lý của các doanh nghiệp nhỏ, do tâm lý găm hàng nhằm trục lợi.

Chúng ta có đủ công cụ, bộ máy để bảo đảm nguồn cung ứng xăng dầu như quy định dự trữ xăng dầu bắt buộc của thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu trong 20 ngày…

Lãnh đạo Bộ Công Thương và Tập đoàn Dầu khí cho biết, những vướng mắc trước mắt của Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn đã được tháo gỡ, từ giữa tháng 2, Nhà máy sẽ dần khôi phục lại sản xuất như bình thường. Từ trước Tết, Nhà máy lọc dầu Bình Sơn đã nâng công suất lên 103%, từ ngày 7/2 đã nâng công suất lên 105%.

Kết luận cuộc họp, Phó thủ tướng Lê Văn Thành nhấn mạnh, hiện nay dự trữ trong nước đủ lớn, đáp ứng đủ xăng dầu cho tiêu dùng và sản xuất. Bộ Công Thương không để thiếu xăng dầu phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân, đồng thời thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi găm hàng nhằm trục lợi.

Trước đó, từ ngày 29/1 - 7/2, trên địa bàn tỉnh An Giang có 23 cửa hàng kinh doanh xăng dầu ở 5 huyện Thoại Sơn, Phú Tân, Châu Thành, Châu Phú, An Phú ngưng hoạt động. Lý do, các cửa hàng hết xăng do thiếu nguồn cung, không có nhân viên phục vụ, sang nhượng cửa hàng cho đơn vị khác…

mot-cua-hang-tai-an-giang-da-dong-cua-nhieu-ngay-qua..jpg
Một cửa hàng tại An Giang đã đóng cửa nhiều ngày qua.

Cục QLTT tỉnh An Giang yêu cầu các Đội QLTT kịp thời phát hiện, làm rõ từng cửa hàng kinh doanh xăng dầu đóng cửa không hoạt động, cần thiết thì phối hợp các cơ quan chức năng kiểm tra thực tế hàng hóa tại cửa hàng, nếu vi phạm phải xử lý nghiêm. Cùng với đó, xác minh lại thông tin các cửa hàng xăng dầu đóng cửa, tạm ngưng hoạt động thời gian qua; nếu có vi phạm trong quá trình tạm ngưng hoạt động thì phối hợp kiểm tra để xử lý nghiêm theo quy định.

Ngày 8/2, Sở Công Thương Cà Mau cho biết đã có văn bản gửi Bộ Công Thương đề nghị hỗ trợ cung ứng xăng dầu. Theo đó, tình hình cung ứng xăng dầu trên địa bàn tỉnh Cà Mau đang hết sức khó khăn. Các thương nhân phân phối xăng dầu không mua được xăng dầu từ các thương nhân đầu mối, nên không đảm bảo việc cung cấp kịp thời, đủ lượng xăng dầu cho các cửa hàng, đại lý bán lẻ và thương nhân nhận quyền bán lẻ xăng dầu để phục vụ người dân trong tiêu dùng, sản xuất, kinh doanh.

Cùng ngày, UBND TPHCM đã có cuộc họp với Sở Công Thương, Cục QLTT TPHCM và đại diện các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu về tình hình cung ứng trên địa bàn TP trong bối cảnh giá xăng dầu thế giới tăng mạnh.

Tại cuộc họp, các doanh nghiệp chủ lực như Petrolimex, Công ty CP xăng dầu và dịch vụ hàng hải STS, Tổng công ty thương mại Sài Gòn... đảm bảo nguồn cung ứng ra thị trường liên tục trong 40 - 60 ngày.

UBND TPHCM cho biết sẽ kiến nghị Bộ Công Thương, Bộ Tài chính nghiên cứu tham mưu Chính phủ trong các trường hợp đặc biệt cần có cơ chế linh hoạt, điều chỉnh giá xăng dầu kịp thời để các DN đầu mối chủ động, điều phối nguồn cung phù hợp.

Đồng thời, giao Sở Công Thương phối hợp Sở GTVT xem xét giải quyết cấp phép lưu thông vào giờ cao điểm cho các xe bồn vận chuyển xăng dầu trên địa bàn trong trường hợp DN có khó khăn trong hoạt động lưu thông, vận chuyển…

Theo Đời sống
back to top