Vỏ dừa có thể làm sạch không khí, lọc sạch khí độc, làm môi trường sống trở nên trong lành. Đây là công nghệ có các kết quả thử nghiệm tốt và đã ứng dụng thành công.
KS Trần Huy An, phụ trách kỹ thuật của công nghệ, Công ty Môi trường Ngọc Lân (Quảng Ninh) cho biết, hệ thống lọc được thiết kế với một bể kín đựng vỏ dừa cho các vi sinh vật trú ẩn và hấp thụ hơi nước, giữ chúng lại trong nguyên liệu lọc. Việc sử dụng nhiều lớp vỏ dừa lọc khí kiểu này hạn chế được các nguyên liệu lọc bị dồn nén lại và việc các luồng khí xuyên thành những đường thoát qua lớp nguyên liệu lọc. Nguyên tắc chính của hệ thống xử lý là tạo điều kiện cho sinh khối tiếp xúc với các chất ô nhiễm trong khí thải càng nhiều càng tốt. Vỏ dừa là nguyên liệu lọc và nơi sản sinh cho các vi sinh vật.
Trong hệ thống, các vi sinh vật sẽ tạo thành một màng sinh học (biofilm), đây là một màng mỏng, và ẩm bao quanh các vỏ dừa. Trong quá trình lọc, khí thải được bơm chậm xuyên qua hệ thống lọc, các chất ô nhiễm trong khí thải sẽ bị các nguyên liệu lọc hấp thụ cơ chế của quá trình lọc sinh học bao gồm quá trình hấp phụ, hấp thụ và phân hủy bởi các vi sinh vật. Các chất khí gây ô nhiễm sẽ bị hấp phụ bởi màng sinh học, tại đây, các vi sinh vật sẽ phân hủy.
Trong quá trình lọc sinh học, các chất khí gây ô nhiễm được làm ẩm và sau đó được bơm vào một buồng phía bên dưới nguyên liệu lọc. Khi chất khí đi ngang qua lớp nguyên liệu lọc, các chất ô nhiễm bị hấp thụ và phân hủy. Khí thải sau khi đã lọc sạch được phóng thích vào khí quyển từ bên trên của hệ thống lọc. Lớp nguyên liệu lọc ẩm tạo nên điều kiện lý học và hóa học thuận lợi cho việc chuyển đổi các chất ô nhiễm từ pha khí sang pha lỏng. Vi sinh vật tồn tại nhờ những chất dinh dưỡng có trong vỏ dừa. Hệ thống lọc là một bể kín dựng vỏ dừa cho các vi sinh vật sinh sống và hấp thụ hơi nước, giữ chúng lại trong nguyên liệu lọc.