Xông nhà thuốc bắc có gây độc?

(khoahocdoisong.vn) - Trường hợp một bệnh nhân ở Lâm Đồng phải nhập viện vì ngộ độc thuốc bắc khi đốt xông nhà, theo các chuyên gia cần phải làm rõ nguồn gốc thạch tín ở đâu. Trong thuốc bắc ít khi có thạch tín.

Trường hợp một bệnh nhân ở Lâm Đồng phải nhập viện vì ngộ độc thuốc bắc khi đốt xông nhà, theo các chuyên gia cần phải làm rõ nguồn gốc thạch tín ở đâu. Trong thuốc bắc ít khi có thạch tín.

Nhiễm độc thạch tín vì xông nhà

Thông tin trên một số tờ báo có đưa thông tin, Anh Tú, 39 tuổi, ở Lâm Đồng, từ giữa năm 2018 thường xuyên bị sốt, không ăn uống được, nôn ói, chân tay yếu, không thể di chuyển. Điều trị ở nhiều bệnh viện trong và ngoài nước không tìm ra bệnh, cơ thể anh ngày càng suy kiệt. Tháng 5, anh được đưa vào Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM trong tình trạng nguy cấp, sốt, đau bụng, suy dinh dưỡng, liệt tay chân. Các bác sĩ hội chẩn liên chuyên khoa và xét nghiệm phát hiện người bệnh nhiễm độc thạch tín.

Người nhà cho biết anh Tú làm nghề xây dựng và kinh doanh nhà xây sẵn được 10 năm. Mỗi lần xây xong một ngôi nhà, anh có thói quen đốt thuốc bắc gồm cây cỏ, xác ve sầu, bột hùng hoàng, chu sa, thần sa, xạ hương... và đưa đi vòng quanh nhà với mong muốn mang lại may mắn, vượng khí. Các bác sĩ xử trí bằng kháng sinh mạnh - phổ rộng, truyền máu, bổ sung dinh dưỡng, xét nghiệm độc chất từ mẫu máu, nước tiểu, tóc, móng. Kết quả, nồng độ thạch tín trong tóc, móng của người bệnh cao hơn từ 300 đến 500 lần so với giá trị thông thường.

Nghe thông tin này, BS Nguyễn Xuân Hướng, Hội Đông y Việt Nam cho rằng, ít có khả năng người này ngộ độc do thuốc bắc. Trong thuốc bắc không có thạch tín đến mức có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng như vậy. Nhiều khả năng bệnh nhân tiếp xúc với những nguồn khác gây ra nhiễm độc thạch tín. Cần phải làm rõ vì sao, có đúng là trong thuốc Bắc có thạch tín hay không để công bố rộng rãi đến người dân được biết.

PGS.TS Phạm Gia Điền, Viện Hóa học, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam cũng cho rằng, rất ít có khả năng trong thuốc Bắc lại tồn tại lượng thạch tín lớn như thế. Thạch tín thường được sử dụng để bảo quản tránh bị ẩm mốc, mối mọt. Dễ thấy nhất là trong lĩnh vực thuộc da động vật, người ta sử dụng thạch tín để vi sinh vật không xâm nhập phân hủy. Trong thuốc Bắc, có thể có những cơ sở sản xuất không phép sử dụng thạch tín để bảo quản tránh mối mọt, nhưng nếu có thì cũng cực kỳ ít, không nhiều đến mức gây ngộ độc như thế.  Ngoài ra, trong bột hùng hoàng, chu sa, thần sa còn có cả thủy ngân, nhưng với liều lượng rất thấp, khó gây độc.

Độc tố có thể trong cây lạ

PGS.TS Phạm Gia Điền cho biết, thạch tín có hai dạng là thạch tín hữu cơ (nằm trong thực vật và mô thịt động vật) thường vô hại đối với con người và thạch tín vô cơ tích tụ trong đất đá hoặc hòa tan vào nước. Độc tính của thạch tín vô cơ cao gấp 4 lần thuỷ ngân, được gọi là "vua của các loại độc". Chất độc này vào cơ thể người qua hô hấp, tiêu hóa và da. Nếu nhiễm một lượng lớn, chúng sẽ tác động xấu đến hệ tuần hoàn, hệ thần kinh và có thể tử vong ngay lập tức. Có thể bột hùng hoàng là dược thảo, chỉ dùng liều rất nhỏ ngoài da và không dùng đường uống. Việc đốt nóng hùng hoàng sẽ làm cho thạch tín bị bốc hơi, con người hít phải hấp thu vào cơ thể rất nguy hiểm.

Tuy nhiên, trường hợp ngộ độc trên rất có thể do nhiều nguyên nhân khác nữa chứ không xuất phát từ thuốc Bắc. Có thể do đốt ở cái chậu có thành phần đất nhiễm thạch tín thì khi đốt, thạch tín cũng bay hơi và gây độc. Hoặc trong thành phần thuốc Bắc khi đốt lên ấy có lẫn cả cây độc thì cũng gây  ngộ độc. Thực tế có nhiều loài cây độc mà chỉ cần đốt lên, con người ngửi phải mùi là có thể ngất xỉu ngay, hoặc thậm chí là tử vong. Thạch tín là một loại chất độc, khi đốt lên thì chúng sẽ bay theo khói, con người hít phải gây ngộ độc nặng, thậm chí là tử vong. Thạch tín là một hợp chất mà tồn tại trong nước thì chúng ta hay gọi là asen. Hấp thụ asen lâu  ngày thì cũng sẽ gây độc.

“Liều lượng thạch tín đến mức gây ngộ độc ngay là rất lớn. Do đó cần phải làm rõ thạch tín có từ đâu để tránh hoang mang. Việc quan niệm xông nhà để trừ tà, làm sạch không khí khi về nhà mới không phải là xấu, nhưng việc chọn vật liệu xông cũng rất nên cẩn trọng”, PGS.TS Phạm Gia Điền cho biết.

Theo Đời sống
back to top