Xoắn ruột do ruột quay bất toàn

(khoahocdoisong.vn) - Thiếu sót trong quá trình phát triển của ruột ở thai kỳ mà dẫn đến xoắn ruột non cấp tính hoặc mạn tính do mạc treo chung. Bệnh có thể diễn biến lâu dài nên cần chú ý.

Đau bụng liên tục 

Bệnh nhân nữ (26 tuổi) có tiền sử nhiều lần vào viện với triệu chứng đau bụng âm ỉ liên tục vùng trên rốn có cơn trội, nhưng sau đó thì lại tự khỏi. Lần này vào viện với triệu chứng đau bụng âm ỉ liên tục và  kéo dài, ấn đau bụng vùng trên rốn, lâm sàng và cận lâm sàng không thấy dấu hiệu tắc ruột nhưng trên phim MSCT có dấu hiệu xoắn mạc treo tràng trên (dấu hiệu xoáy nước).

Bệnh nhân được mổ nội soi chẩn đoán thấy một số quai hỗng tràng xoắn quanh mạc treo tràng trên và 1/2 đại tràng phía bên phải di động. Kíp mổ quyết định chuyển mổ mở gỡ dính tháo xoắn, cắt ruột thừa và cố định manh trành-đại tràng phải vào thành bụng phải (phía sau-bên). Bệnh nhân ổn định và ra viện sau một tuần, tái khám bệnh nhân sau một tháng không còn dấu hiệu đau bụng liên tục như trước nữa.

Bất thường từ thai kỳ gây xoắn ruột

Quá trình phát triển ống tiêu hóa trong thời kỳ bào thai liên quan đến xoắn ruột. Thời kỳ bào thai ống tiêu hoá nguyên thuỷ phát triển xuống đường giữa của phôi, kéo dài và chui ra ngoài khoang cơ thể theo dây rốn (thoát vị sinh lý) và sau này lại chui vào khoang cơ thể hay khoang bụng. Ống tiêu hoá được chia làm 3 phần theo sự cấp máu: Đoạn ruột đầu (Foregut) sau này hình thành hầu họng, thực quản và dạ dày được nuôi dưỡng bằng động mạch thân tạng. Đoạn ruột giữa (midgut) hình thành ruột non và một phần đại tràng, được nuôi dưỡng bằng động mạch mạc treo tràng trên. Đoạn ruột cuối (hindgut) hình thành hậu môn trực tràng, đại tràng sigma và đại tràng xuống, được nuôi dưỡng bằng động mạch mạc treo tràng dưới.

– Giai đoạn 1: Vào tuần lễ thứ 4 - 10 đoạn ruột giữa phát triển nhanh làm cho khoang thân không có khả năng chứa nên chúng chui ra ngoài theo dây rốn.

– Giai đoạn 2: Sau khi chui ra khỏi khoang thân vào tuần lễ thứ 4 – 10, đoạn ruột giữa chui lại vào khoang thân trong ổ phúc mạc nhưng chủ yếu là ruột non chui vào trước và chiếm toàn phần bên trái của ổ bụng. Phần đại tràng chui vào sau và nằm góc trên trái của ổ bụng. Khung đại tràng nhanh chóng quay 270 độ ngược theo chiều kim đồng hồ để góc hồi manh tràng nằm ở góc hố chậu phải. Khung tá tràng cũng xoay 270 độ ngược chiểu kim đồng hồ và ra phía sau động mạch mạc treo tràng trên (vào tuần lễ 10 – 12).

– Giai đoạn 3: Là giai đoạn cuối, chủ yếu là sự phát triển của các nụ ruột non như các quai ruột, mạc treo.

 Trong giai đoạn 2 do một lý do nào đó mà có các bất thường:

Ruột không quay: Sau khi trở lại ổ bụng thì phần lớn đại tràng nằm bên trái, ruột non bên phải và manh tràng ở giữa bụng như vậy không có sự quay và cố định của đại tràng và tá tràng.

Ruột quay không hoàn toàn: Đại tràng chỉ quay khoảng 180 độ và dừng lại khiến manh tràng ở dưới gan, hạ sườn phải. Trường hợp này thường có 1 dải phúc mạc thành bụng chạy ngang qua đoạn II tá tràng gọi là dây chằng. Toàn bộ ruột giữa (midgut) được treo bởi bó mạch mạc treo tràng trên bằng một cuống rất hẹp và rất dễ dàng bị xoắn do không được cố định.

Ruột quay ngược: Thường đại tràng quay 180 độ theo chiều kim đồng hồ kết quả đại tràng nằm sau tá tràng và bó mạch mạc treo tràng trên (hiếm gặp). Ruột quay thái quá (hyperrotation) đại tràng quay ngược chiều kim đồng hồ 360 hay 450 độ (hiếm gặp).

Tạo vỏ (Encapsulated): Túi vô mạch của dây rốn chui theo vào ổ bụng và bọc lấy toàn bộ ruột.

Các quai ruột quay bình thường nhưng thiếu hụt về cố định: Manh tràng và đại tràng lên quá di động nên dễ bị xoắn sau này.

Chính những thiếu sót này trong quá trình phát triển của ruột ở thai kỳ mà dẫn đến xoắn ruột non cấp tính hoặc mạn tính do mạc treo chung.

TS.BS Đặng Quốc Ái (Bệnh viện E T.Ư)

Theo VietnamDaily
back to top