Xơ teo gan do sỏi lấp đầy đường mật trong gan 13 năm

Phát hiện sỏi 13 năm nhưng không điều trị, người đàn ông 62 tuổi đã phải mổ cắt gan bị xơ teo do sỏi lấp đầy đường mật. Tại Việt Nam, tỷ lệ mắc sỏi đường mật trong gan là khá lớn nên người dân cần chú ý.

Ông C.V.L. (62 tuổi, Đồng Tháp) tới Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á trong tình trạng sốt, đau bụng vùng hạ sườn phải kéo dài. Một tuần trước đó, ông L. bị đau nhiều vùng thượng vị lan tới sau lưng, sốt, dùng thuốc giảm đau nhưng không đỡ.

Hình ảnh CT phát hiện gan bị tổn thương - Ảnh BVCC

Hình ảnh CT phát hiện gan bị tổn thương - Ảnh BVCC

Ông L. cho biết cách đây 13 năm, ông đã từng đi khám và phát hiện mình bị sỏi đường mật trong gan và có chỉ định phẫu thuật nhưng vì kinh tế gia đình không đủ khả năng nên ông đành ngậm ngùi chịu đựng, chỉ dùng thuốc điều trị tạm thời.

Tại Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á, các bác sĩ đã thăm khám và chỉ định cho ông L. chụp CT. Kết quả ghi nhận thùy trái gan có nhiều hốc sỏi, ủ dịch mủ, toàn bộ nhu mô gan thùy gan trái bị xơ teo, mất chức năng toàn bộ, viêm đường mật, sỏi gan trái trên nền bệnh đái tháo đường, có rối loạn đông máu.

Ekip phẫu thuật cho bệnh nhân - Ảnh BVCC

Ekip phẫu thuật cho bệnh nhân - Ảnh BVCC

Tại bệnh viện Xuyên Á, có nhiều phương pháp hiện đại để điều trị sỏi đường mật : Tán sỏi xuyên gan qua da, phẫu thuật nội soi lấy sỏi, phẫu thuật cắt gan điều trị sỏi trong gan…

Với bệnh cảnh này, phẫu thuật cắt thùy gan trái để loại bỏ hoàn toàn các hốc sỏi và đường mật và phần gan bị tổn thương là lựa chọn điều trị tối ưu nhất. Sau khi trao đổi cụ thể với gia đình người bệnh, ThS.BS.CKII. Trần Văn Minh Tuấn cùng ekip bác sĩ của Khoa Ngoại Tổng Quát Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á đã tiến hành phẫu thuật cắt bỏ thùy gan trái cho ông L.

ThS.BS.CKII. Trần Văn Minh Tuấn – Trưởng Khoa Ngoại Tổng Quát BVĐK Xuyên Á cho biết: “Với trường hợp này này, phẫu thuật loại bỏ phần gan tổn thương, lấy sạch sỏi và bảo tồn đường mật còn lại là việc cấp thiết. Nếu người bệnh không được can thiệp phẫu thuật kịp thời có thể dẫn đến biến chứng như nhiễm trùng huyết, ung thư đường mật,…nguy cơ tử vong cao.”

Trong quá trình phẫu thuật, ekip ghi nhận gan xơ teo, khi cắt gan ra thấy rất nhiều hốc mủ ở vùng gan trái, kèm sỏi. Sau khi cắt gan, các phẫu thuật viên đã sử dụng ống soi đường mật để kiểm tra và lấy sỏi ở các nhánh đường mật còn lại quyết tâm lấy sạch sỏi trong gan.

Đồng thời, ekip tạo một đường hầm mật – da, để dự phòng sau này bệnh nhân có bị lại sỏi đường mật thì sẽ tán sỏi qua đường hầm này mà không cần phẫu thuật nữa.

Sau 5 ngày phẫu thuật, người bệnh đáp ứng tốt, sinh hoạt bình thường, vết mổ không nhiễm trùng, không đau. Người bệnh được tiếp tục theo dõi tại Khoa Ngoại Tổng Quát, điều trị kháng sinh, theo dõi đánh giá tình trạng nhiễm trùng. Sau khi xuất viện, ông L. sẽ được theo dõi định kỳ 3 tháng/ lần để xem có tái phát sỏi trong gan không.

Hiện nay tại Việt Nam, tỷ lệ mắc sỏi đường mật trong gan là khá lớn. Nguyên nhân gây sỏi đường mật trong gan chủ yếu do môi trường ăn uống chưa hợp vệ sinh, thực phẩm chứa nhiều ký sinh trùng, nhất là ở những vùng sông nước.

Vì thế, các chuyên gia cũng khuyến cáo người dân nên ăn chín uống sôi để an toàn thực phẩm, đồng thời nên đến bệnh viện kiểm tra sớm khi có dấu hiệu đau hạ sườn phải để kịp thời can thiệp điều trị nếu cần thiết, hạn chế nguy cơ bệnh diễn tiến nặng.

Theo Đời sống
back to top