<div> <p><strong>Cựu Phó chủ tịch vắng mặt</strong></p> <p>Ngày mai, TAND TP Hà Nội sẽ bắt đầu xét xử sơ thẩm 10 bị cáo trong vụ án trên. Trong số này, ông Vũ Huy Hoàng và Phan Chí Dũng – nguyên Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ bị truy tố về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.</p> <p>Tám người khác bị truy tố về tội “Vi phạm các quy định về quản lý đất đai” gồm Nguyễn Hữu Tín - nguyên Phó chủ tịch UBND TPHCM; Lâm Nguyên Khôi - nguyên Phó GĐ Sở KH&ĐT TPHCM; Đào Anh Kiệt - nguyên Phó GĐ Sở TN&MT TPHCM; Lê Văn Thanh - nguyên Phó chánh văn phòng UBND TPHCM; Lê Quang Minh - nguyên Trưởng phòng thuộc Sở KH&ĐT TPHCM; Nguyễn Thanh Chương - nguyên Trưởng phòng Đô thị thuộc UBND TPHCM; Trương Văn Út - nguyên Phó phòng thuộc Sở TN&MT TPHCM; Nguyễn Lan Châu - nguyên chuyên viên Sở TN&MT TPHCM.</p> <p>Phiên tòa trước đó đã 2 lần được mở nhưng phải hoãn lại vì một số bị cáo, người liên quan vắng mặt. Đến nay, cựu Nguyễn Hữu Tín tiếp tục xin được xét xử vắng mặt vì lý do sức khỏe.</p> <p>Ông Tín từng bị phạt 7 năm tù trong một vụ án liên quan Phan Văn Anh Vũ. Luật sư của ông Tín, bà Nguyễn Thị Huyền Trang cho biết cựu Phó chủ tịch TP.HCM hiện mắc bệnh tim nên không thể di chuyển ra Hà Nội.</p> <p>“Tôi đã giao nộp hồ sơ bệnh án, xác nhận của bệnh viện về việc ông Tín sức khỏe rất yếu đồng thời gửi đơn xin cho ông Tín được vắng mặt. Hội đồng xét xử đã chấp thuận việc này” – luật sư Huyền Trang nói.</p> <table class="picture"> <tbody> <tr> <td class="pic"><img alt="Xét xử ông Vũ Huy Hoàng: Bà Hồ Thị Kim Thoa có vai trò gì? ảnh 1" src="https://khds.1cdn.vn/2021/04/21/photo-cms-tpo-zadn-vn_vu-huy-hoang-594.jpeg" /></td> </tr> <tr> <td class="caption"> <p>Cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng tại tòa án Hà Nội.</p> </td> </tr> </tbody> </table> <p>Theo truy tố, Sabeco lập liên doanh Sabeco Pearl để xây dựng dự án cao ốc, văn phòng tại số 2-4-6 Hai Bà Trưng (TPHCM) trong đó, Sabeco giữ 26% vốn; còn lại thuộc các công ty tư nhân gồm Attland (23%), Hà An (25,5%), Mê Linh (25,5%).</p> <p>Ông Vũ Huy Hoàng và các cấp dưới tại Bộ Công Thương đồng ý việc này và UBND TPHCM cũng chấp thuận cho xây dựng trên khu đất. Tuy nhiên, đến năm 2016, các doanh nghiệp tư nhân đề nghị Sabeco thoái vốn khỏi liên doanh và được Sabeco cùng Bộ Công Thương đồng ý. Như vậy, khu đất số 2-4-6 từ sở hữu nhà nước bị các công ty tư nhân thâu tóm với giá rẻ, gây thiệt hại 2.713 tỷ đồng.</p> <p><strong>Bà Hồ Thị Kim Thoa có vai trò gì?</strong></p> <p>Trong vụ việc, ông Vũ Huy Hoàng bị xác định là người có kinh nghiệm về quản lý kinh tế, từng giữ chức Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tây, Bí thư Tỉnh ủy Lạng Sơn…</p> <p>Với Sabeco, từ năm 2008 đến năm 2017, Nhà nước có 89,5% vốn tại đây nên Sabeco là doanh nghiệp Nhà nước hoặc Cty cổ phần có vốn Nhà nước, tùy theo luật điều chỉnh. Bộ Công thương là đại diện chủ sở hữu Nhà nước với phần vốn góp tại Sabeco. Vụ Công nghiệp nhẹ Bộ Công thương là đơn vị theo dõi, tham mưu, đề xuất lãnh đạo Bộ Công thương đối với các báo cáo của Sabeco.</p> <p>Khi làm Bộ trưởng Bộ Công thương, ông Vũ Huy Hoàng phải có trách nhiệm của chủ sở hữu vốn Nhà nước đầu tư vào các doanh nghiệp gồm Sabeco. Tuy nhiên, ông có vi phạm, không thực hiện đúng chủ trương của chính phủ dẫn tới hậu quả thất thoát 2.713 tỷ đồng.</p> <p>Theo cơ quan truy tố, quá trình điều tra, ông Vũ Huy Hoàng nhận trách nhiệm người đứng đầu và cho rằng trách nhiệm chính thuộc về Hồ Thị Kim Thoa.</p> <p>Bà Hồ Thị Kim Thoa từng giữ chức Thứ trưởng Bộ Công thương và bị cơ quan truy tố xác định có hành vi ký vào các văn bản để Tổng Cty Bia rượu – nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) thực hiện dự án bất động sản tại số 2-4-6 Hai Bà Trưng (TP.HCM).</p> <p>Cơ quan tố tụng xác định bà Thoa chỉ có hành vi đồng phạm giúp sức cho ông Vũ Huy Hoàng khi trực tiếp ký văn bản hoặc tham mưu, đề xuất cho lãnh đạo Bộ Công thương chấp thuận chủ trương cho Sabeco thực hiện dự án bất động sản dù đây không phải ngành nghề kinh doanh chính.</p> <p>Bà Thoa còn tham mưu cho cấp trên chỉ đạo Sabeco thoái vốn tại Sabeco Pearl và phê duyệt giá khởi điểm đấu giá cổ phần thấp hơn thực tế. Hành vi của bà Thoa bị xác định phạm vào tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.</p> <p>Tuy nhiên, cựu thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa đã bỏ trốn và bị cơ quan điều tra ra lệnh truy nã. Năm 2020, Tổ chức cảnh sát hình sự quốc tế Interpol cũng ra lệnh truy nã đỏ với bà Thoa.</p> <div class="notebox ncenter cms-note"> <p>Ngày 21/4, Trung tướng Tô Ân Xô – Chánh văn phòng Bộ Công an cho biết, bà Thoa vẫn chưa bị bắt nhưng quyết định truy nã với người này vẫn còn hiệu lực. Cảnh sát đang tích cực truy tìm bà Thoa theo đúng quy định của pháp luật.</p> </div> <div class="article__author"> </div> </div> <p> </p>