Xét xử gian lận điểm thi: Có bản án còn đắt hơn án của tòa

(khoahocdoisong.vn) - Liên quan tới vụ án xét xử gian lận điểm thi, đại biểu Phạm Tất Thắng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, có những bản án còn đắt hơn bản án của tòa.

Bản án đắt nhất

Trong phiên tòa tuyên án các bị cáo liên quan tới vụ án xét xử gian lận điểm thi ở Hà Giang mới đây, HĐXX đánh giá các bị cáo đều là người có chức vụ quyền hạn, đủ năng lực trách nhiệm hình sự, trong đó có 4/5 thầy, cô giáo am hiểu quy định của ngành, lẽ ra phải gương mẫu đi đầu, cương quyết chống tiêu cực trong thi cử. Việc làm này gây nguy hiểm cho xã hội. Ông đánh giá như thế nào về vụ việc này?

Vụ gian lận điểm thi trong kỳ thi tốt nghiệp phổ thông năm 2018 là một sự việc rất đáng tiếc, đáng buồn và cũng thể hiện đạo đức nghề nghiệp xuống cấp, chịu ảnh hưởng từ những tiêu cực của xã hội đối với một số công chức, viên chức.

Những người vi phạm đã, sẽ phải nhận những bản án thích đáng từ phía pháp luật. Tuy nhiên, tôi cho rằng, có những bản án còn nặng hơn bản án mà họ phải nhận từ phía Tòa án.

Đại biểu Phạm Tất Thắng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội. Ảnh: KH&ĐS.

Đại biểu Phạm Tất Thắng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội. Ảnh: KH&ĐS.

Cụ thể bản án đó là gì, thưa ông?

Bản án đắt nhất mà họ phải nhận đó là mất đi danh dự, uy tín tích lũy cả đời làm nghề của mình. Và từ phía dư luận, cộng đồng, sẽ còn đưa ra những bản án nghiêm khắc hơn nữa.

Vụ việc như thế này đã làm giảm sút niềm tin của người dân vào nghề giáo, nghề vốn được gắn với việc trồng người thì giờ lại thực hiện hành vi gian dối, thậm chí ra tới tòa vẫn quanh co, gian dối?

Hành vi vi phạm này là rất nghiêm trọng, ảnh hưởng tới danh dự, tuy tín của đội ngũ nhà giáo. Thủ phạm xuống cấp về đạo đức nên mới thực hiện hành vi đó. Họ không còn xứng đáng đứng trong đội ngũ nhà giáo nữa.

Tuy nhiên, tôi cho rằng, cần phải nhìn nhận, hiện nay có trên một triệu giáo viên ở tất cả các cấp học. Vụ việc này chỉ diễn ra ở 3 tỉnh với số lượng người vi phạm so với đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục, công chức là số rất nhỏ. Hàng triệu giáo viên vẫn đang cống hiến miệt mài, bền bỉ, thầm lặng cho nghề nghiệp của mình.

Đặc biệt, ngay tối qua, VTV có phát một phóng sự đưa hình ảnh một cô giáo hàng chục năm nay âm thầm, hết lòng dạy dỗ hàng trăm em học sinh có số phận không may mắn, bị tàn tật mà không đòi hỏi bất cứ điều gì.

Những tấm gương như thế không phải là ít trong ngành giáo dục. Dư luận,  xã hội, cộng đồng vẫn nên có những cái nhìn khách quan, công bằng với các thầy cô giáo, ghi nhận những nỗ lực cống hiến của đội ngũ hàng triệu nhà giáo trên đất nước này trong suốt thời gian vừa qua.

Nên tách kỳ thi ra khỏi “hai trong một”

Một số ý kiến cho rằng, những việc gian lận thi cử nó diễn ra khá phổ biến, nhiều năm rồi, chứ không phải chỉ là “con sâu làm rầu nồi canh”. Chẳng qua, vì ba tỉnh đó “chơi lớn” quá, nên bị lộ?

Đúng là dư luận thì có quyền suy đoán là vụ việc này nó không chỉ xảy ra ở 3 tỉnh. Tuy nhiên, những gì vi phạm thì phải căn cứ vào các vụ việc đã được điều tra, truy tố, xử lý, chứ cũng không nên suy đoán nó phổ biến.

Đặc biệt,  tôi muốn nói đến khía cạnh khác, đó là tại sao nó lại có những việc sai phạm như vậy thì có lẽ ngành giáo dục phải xem xét từ căn nguyên của vấn đề.

Căn nguyên đó là gì, thưa ông?

Kỳ thi 2018 có nhiệm vụ tạm gọi là “hai trong một”, kết hợp vừa là xét tốt nghiệp THPT, lại vừa lấy kết quả đó để làm căn cứ xét tuyển đại học, cao đẳng. Và những thí sinh nâng điểm được phát hiện đã nằm nhiều trong top trường có điểm tuyển sinh đầu vào cao, nhiều trường thuộc khối ngành lực lượng vũ trang.

Tôi cho rằng, chính mục tiêu thi như vậy là một căn nguyên để cho một số cán bộ thoái hóa biến chất trong ngành giáo dục, một số công chức ở các địa phương đó có những hành vi sai phạm.

Nếu mà chúng ta tách biệt được 2 kỳ thi này ra, thi tốt nghiệp chỉ là thi tốt nghiệp thôi và thi đại học giao quyền tự chủ cho các trường đại học thì có lẽ nó sẽ giảm thiểu những nguyên nhân tác động đến việc có những hành vi sai phạm. Hoặc cần có thêm những giải pháp kỹ thuật để quá trình tổ chức thi và chấm thi minh bạch, khách quan, chính xác và bảo mật hơn.

Tôi lấy ví dụ, đến thời điểm này, nhờ có thêm những giải pháp kỹ thuật mà kỳ thi THPT 2019 chưa phát hiện ra những vụ việc sai phạm tương tự như năm 2018.

Ông ủng hộ việc tách hai kỳ thi ra?

Tôi cho rằng nếu có thể thì tách hai kỳ thi ra, vì mục tiêu của hai kỳ thi này khá khác nhau. Mục tiêu của tốt nghiệp THPT là chỉ xem một học sinh sau quá trình học 12 năm đã đủ kiến thức và văn hóa cơ bản để tốt nghiệp bậc học “phổ thông” hay chưa.

Còn kỳ thi tuyển đại học, cao đẳng thì phải sàng lọc, lựa chọn được những thí sinh nổi trội nhất, có những tố chất phù hợp để có thể học ở bậc học cao nhất trong hệ thống giáo dục quốc dân.

Kỳ thi này sẽ có những mục tiêu khác, yêu cầu khác và vì thế cách thức tổ chức phải khác so với kỳ thi tốt nghiệp.

Ông đánh giá như thế nào về kết quả bản án mà các bị cáo trong vụ gian lận thi cử ở Hà Giang phải nhận? Đang có ý kiến cho rằng nó quá nhẹ, và chưa đủ sức răn đe?

Tôi cho rằng, những sai phạm đã được quy định trong luật, luật có khung về việc xử lý sai phạm này. Và hội đồng xét xử sẽ căn cứ theo qui định của pháp luật để xử lý. Cho nên, không thể nói rằng nặng hay nhẹ mà không có căn cứ.

Trân trọng cảm ơn ông!

 “Cộng đồng giáo dục gồm hàng chục triệu cán bộ quản lý, nhà giáo và học sinh là một bộ phận trong xã hội; nó sẽ phản ánh những mối quan hệ mà xã hội có. Xã hội có những mối quan hệ như thế nào thì trong cộng đồng này cũng sẽ có những mối quan hệ như thế.

Tất nhiên, môi trường giáo dục sẽ khác hơn, nó tựa như một cái sàng, sẽ giảm thiểu những tác động tiêu cực từ xã hội tới nhà trường. Nhưng nó cũng không thể “sàng” hết được những tiêu cực từ ngoài xã hội.

Đại biểu Phạm Tất Thắng.

Theo Đời sống
back to top