Xét nghiệm RT-PCR vẫn cho kết quả khác nhau tùy thời điểm lấy mẫu, do đó, với người có lịch sử dịch tễ phức tạp, dù âm tính vẫn phải cách ly.
Số lượng máy xét nghiệm khá nhiều
Trong cuộc họp Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch Covid-19 Hà Nội chiều 10/8, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Hà Nội cho hay, nguồn cung cấp vật tư xét nghiệm đang gặp nhiều khó khăn. Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Khắc Hiền cho biết, thành phố đã vận động tài trợ được 30.000 que và ống lấy mẫu phục vụ xét nghiệm RT-PCR, còn lại hơn 40.000 bộ, Bộ Y tế sẽ chịu trách nhiệm hỗ trợ thành phố. Thành phố sẽ làm việc với Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư về số lượng thiết bị này theo chỉ đạo từ Bộ Y tế.
Theo Phó Giám đốc Phụ trách CDC Hà Nội Trương Quang Việt, hiện số mẫu xét nghiệm đã chuyển cho các bệnh viện T.Ư là 7.668. Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận 6.531 mẫu, kết quả 2.672 âm tính, còn lại đang chờ; Viện Nhi T.Ư 324/324 mẫu âm tính; Viện Nhiệt đới T.Ư 30/30 mẫu âm tính. Theo lãnh đạo CDC Hà Nội, hiện, đơn vị đang đặt lịch làm việc với Học viện Quân y, Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư về vật tư phục vụ xét nghiệm RT-PCR. Việc mua sắm cũng đã hoàn thiện các thủ tục, chờ xin ý kiến Sở Y tế và UBND TP Hà Nội. Tuy nhiên, theo đánh giá, khả năng cung cấp các vật tư y tế phục vụ xét nghiệm là khó khăn.
Được biết, thời gian vừa qua, Bộ KH&CN đã thực hiện báo cáo giám sát yêu cầu tất cả các viện nghiên cứu, cơ sở đào tạo trong cả nước thống kê số máy xét nghiệm RT-PCR hiện có như thế nào, chủng loại ra sao… để phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh trong trường hợp dịch bệnh diễn biến phức tạp.
Theo PGS.TS Đinh Duy Kháng, Viện Công nghệ Sinh học, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, hiện số máy xét nghiệm RT-PCR trên cả nước khá nhiều, riêng ở Viện Công nghệ Sinh học đã có 3 chiếc. Để thực hiện xét nghiệm diện rộng bằng công nghệ này không khó. Chiếc máy hiện đại nhất có thể xét nghiệm cùng lúc 96 mẫu/lần, máy kém nhất là có thể chạy 30 mẫu/lần chạy. Mỗi lần chạy máy dao động từ khoảng 1,5 - 3 tiếng đồng hồ. Như vậy, nếu huy động được hết các máy xét nghiệm trong các cơ sở nghiên cứu hiện nay thì hoàn toàn có thể đối phó với dịch bệnh.
Âm tính nhiều lần cũng chưa thể khẳng định
Tuy nhiên, theo PGS.TS Đinh Duy Kháng, cũng cần hiểu rằng phương pháp xét nghiệm RT-PCR không phải là tối ưu so với xét nghiệm bằng test kit. Xét nghiệm bằng công nghệ RT-PCR khác với test kit là kinh phí cao hơn, mất thời gian nhiều hơn, nhân lực thực hiện phải là người có trình độ... Thay vì chỉ cần dùng một que thử là biết âm hay dương tính thì phương pháp RT-PCR cần có mẫu rồi cho vào máy chạy. PCR là phương pháp khuếch đại nhiều lần virus rồi dùng chất chỉ thị để phát hiện ra SARS-CoV-2. Thực tế có trường hợp bệnh nhân Covid-19 ở Hà Nội đã xét nghiệm RT-PCR mà không phát hiện ra virus cho đến lần thứ 3 thực hiện xét nghiệm. Điều này rất dễ hiểu bởi xét nghiệm chỉ là một khâu để kiểm soát dịch.
Nhiều người xét nghiệm âm tính nhiều lần cũng chưa thể yên tâm, dù là sử dụng công nghệ RT-PCR bởi vì phụ thuộc rất nhiều yếu tố. Khi lấy mẫu, đã lấy đúng chỗ có virus chưa? Thời điểm lấy mẫu, virus đó đã nhân lên với số lượng đủ lớn để thực hiện xét nghiệm hay chưa? Lúc lấy mẫu đó bệnh nhân có xuất hiện kháng thể chưa?... Thời điểm lấy mẫu có thể chưa xuất hiện virus, nhưng về bản chất người đó đã dương tính, nhiễm bệnh rồi máy máy xét nghiệm không phát hiện ra.
Có nhiều cách để phát hiện ra virus như lấy kháng thể để xét nghiệm huyết thanh, lấy virus (mẫu niêm mạc họng, mũi) để xét nghiệm vật liệu di truyền hay lấy mẫu tế bào để xét nghiệm virus… song tất cả các khâu này chỉ là một công cụ sàng lọc, chứ không khẳng định chắc chắn một người có nhiễm bệnh hay không. Đó là lý do mà những người trở về từ vùng dịch cần phải được cách ly thận trọng. Theo PGS.TS Đinh Duy Kháng, không phát hiện thêm trường hợp mắc mới cũng chưa thể yên tâm bởi dịch có thể còn đang trong thời kỳ ủ. Việc theo dõi sức khỏe và khai báo y tế cần phải được thực hiện thận trọng, theo đúng khuyến cáo của Bộ Y tế.