Theo lãnh đạo một trung tâm xét nghiệm ở Hà Nội, sau Tết dịch bùng phát nhanh, nhu cầu xét nghiệm PCR của người dân tăng cao trong khi số nhân viên y tế tại trung tâm chỉ có vài người, không đáp ứng được nhu cầu, vì thế Trung tâm này đã dừng dịch vụ lấy mẫu xét nghiệm tại nhà.
BS Trương Hữu Khanh (cố vấn chuyên môn Khoa Nhiễm Khuẩn - thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1, TPHCM) cho rằng, kỹ thuật lấy mẫu test nhanh thực hiện đúng cách sẽ cho kết quả chính xác, người dân không cần phải lấy mẫu xét nghiệm PCR.
Mặc dù xét nghiệm PCR để biết tải lượng virus (chỉ số CT) cơ thể cao hay thấp, thực tế tải lượng virus chỉ có ý nghĩa xem nguy cơ lây nhiễm cho người khác thế nào, không có ý nghĩa trong tiên lượng bệnh.
Test nhanh giúp giảm thời gian chờ kết quả của F0 và bớt công việc cho nhân viên y tế, lại dễ sử dụng, thời gian có kết quả nhanh, thao tác đơn giản. Trong khi đó, xét nghiệm RT-PCR tiến hành trên máy, đòi hỏi người sử dụng phải được đào tạo chuyên môn, kỹ năng chuẩn xác và thường mất 4-6 giờ mới có kết quả.
BS Nguyễn Văn Thường, Giám đốc BV Đa khoa Đức Giang, Hà Nội thì cho rằng, xét nghiệm PCR là không cần thiết khi F0 cộng đồng quá nhiều, kết quả test nhanh đã đủ để kết luận nhiễm. Ai test nhanh dương tính thì liên hệ y tế phường để ghi nhận. Ngoài ra, đa số F0 nhẹ, không triệu chứng, đã được tiêm văcxin đầy đủ, thì không nên quá bận tâm đến chỉ số CT. Hiện các bệnh viện chủ yếu xét nghiệm PCR cho F0 đang điều trị và trước khi ra viện.
Từ tháng 12/2021, Bộ Y tế cho phép Hà Nội xác định F0 khi có kết quả test nhanh kháng nguyên dương tính, thay vì xét nghiệm PCR mang giá trị khẳng định, khi số ca nhiễm có xu hướng tăng. Theo đó, kit test sử dụng phải được Bộ Y tế cấp phép, xét nghiệm do nhân viên y tế thực hiện hoặc giám sát thực hiện theo hình thức trực tiếp hoặc từ xa.