Đột biến NST gây hậu quả nặng nề nhất
BS Phạm Thế Vương, Trung tâm Chẩn đoán trước sinh và sàng lọc sơ sinh Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội cho biết, bất thường bẩm sinh (BTBS) là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong chu sinh và gây ra nhiều gánh nặng cho gia đình và xã hội. BTBS do nhiều nguyên nhân như đột biến NST, đột biến gene, di truyền đa nhân tố, môi trường... trong đó nguyên nhân hay gặp và gây hậu quả nặng nề nhất là đột biến NST.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tỉ lệ trẻ sơ sinh bị dị tật bẩm sinh trên toàn thế giới là 1,73%. Như vậy, mỗi năm có khoảng 8 triệu trẻ em sinh ra với ít nhất 1 dị tật bẩm sinh. Tỉ lệ này ở Việt Nam cao hơn, vào khoảng 2 - 3%. Nguyên nhân do ý thức của người dân về sàng lọc trước sinh còn chưa cao, khiến nhiều trường hợp không được phát hiện và can thiệp sớm. Dị tật có thể xuất hiện ở bất cứ lúc nào của thai kỳ, nhưng phần lớn ở 3 tháng thai đầu tiên.
Các đột biến NST ở thai nhi có thể là đột biến mới phát sinh, cũng có thể là đột biến do bố mẹ mang NST đột biến ở dạng cân bằng truyền cho thai. Cùng với sự phát triển của phương pháp sàng lọc trước sinh như sàng lọc huyết thanh mẹ (xét nghiệm NIPT), siêu âm thai ...đã làm giảm tỷ lệ lấy mẫu dịch ối không cần thiết, tăng tỷ lệ phát hiện đột biến NST ở thai. Tuy nhiên, xét nghiệm NST từ mẫu dịch ối vẫn là tiêu chuẩn vàng cho các chẩn đoán đột biến số lượng và cấu trúc NST của thai.
Không chỉ tuổi cao mới xét nghiệm
Theo BS Phạm Thế Vượng, Bệnh viện phụ sản Hà Nội đã thực hiện nghiên cứu “Đánh giá giá trị của phương pháp sàng lọc trước sinh dựa trên kết quả nhiễm sắc thể đồ của thai từ mẫu dịch ối” từ tháng 1/2018 – hết 6/2019 trên 924 thai phụ được lấy mẫu dịch ối để xét nghiệm cho thấy, 93 trường hợp thai có bất thường NST, chiếm 10,06%. Các dạng đột biến NST ở thai bao gồm: Đột biến số lượng NST thường 57/93, đột biến NST giới tính 9/93, đột biến sạng khám 10/93, đột biến cấu trúc NST 17/93.
BS Phạm Thế Vượng cho biết, xét nghiệm chẩn đoán trước sinh thường được chỉ định cho người sinh con muộn, trên 35 tuổi. Tuy nhiên, nếu chỉ dựa duy nhất vào yếu tố tuổi mẹ, tỷ lệ đột biến NST ở thai là rất thấp với 1/52 trường hợp (1,9%). Khi phối hợp với các chỉ định khác, tỷ lệ thai bất thường NST tăng lên rõ rệt (21/210 thai phụ). Cần lưu ý rằng, độ tuổi của thai phụ chủ yếu là dưới 35, vì vậy nếu chỉ dựa vào yếu tố thôi thì sẽ bỏ sót 71 trường hợp thai bất thường NST trong nghiên cứu này.
Ngoài ra, BS Vượng cũng lưu ý, tình trạng dương tính giả cũng xảy ra trong các xét nghiệm sàng lọc trước sinh. Trong nghiên cứu này, tỷ lệ thai nhi mắc hội chứng Down gặp nhiều nhất với 43 trường hợp, tuy nhiên chỉ có 21/43 trường hợp có bất thường trên siêu âm, 22 trường hợp còn lại được phát hiện thông quá sàng lọc huyết thanh mẹ và NIPT. Như vậy, mặc dù sàng lọc huyết thanh mẹ tuy có tỷ lệ dương tính giả cao, nhưng khả năng phát hiện hội chứng Down rất tốt, tránh bỏ sót các trường hợp Down nếu chỉ dựa vào siêu âm. Tương tự thai mắc hội chứng Edward gặp 16 trường hợp, trong đó 15/16 trường hợp có bất thường trên siêu âm....
Đặc biệt, trong nghiên cứu cho thấy, có 17 trường hợp đột biến cấu trúc NST gồm: 10 trường hợp đột biến không cân bằng và 7 trường hợp đột biến ở dạng cân bằng. 13/17 trường hợp thai có đột biến cấu trúc nhiễm sắc thể có nguồn gốc từ bố mẹ là người mang đột biến dạng cân bằng. Điều đáng lưu ý là trong 13 trường hợp này chỉ có một trường hợp phát hiện sớm từ giai đoạn tiền hôn nhân, còn lại 12/13 trường hợp phát hiện bố mẹ mang đột biến NST khi đã có tiền sử sản khoa bất thường như sảy thai, thai lưu liên tiếp, mang thai, sinh con dị tật...
Điều này cho thấy công tác sàng lọc tiền hôn nhân và tiền mang thai nhằm phát hiện đột biến NST ở các cặp vợ chồng chưa thực sự hiệu quả. Những người mang đột biến NST ở dạng cân bằng có kiểu hình hoàn toàn bình thường nhưng khả năng tạo giao tử bất thường rất lớn nên dễ dẫn dẫn đến bất thường về sinh sản. Nhưng nếu được phát hiện sớm sẽ có các biện pháp can thiệp hiệu quả như chẩn đoán phôi tiền làm tổ hoặc chẩn đoán trước sinh sớm giúp cho ra đời những đứa trẻ khỏe mạnh.