Từ ngày 21 - 31/10, Hội đồng Giáo sư Nhà nước họp xét công nhận chức danh giáo sư (GS), phó giáo sư (PGS) năm 2024 đối với 631/725 ứng viên đăng ký (chiếm 87%), trong đó 45 ứng viên GS và 586 ứng viên PGS; 94 ứng viên bị loại (chiếm 13%). 27/28 ngành có ứng viên xét GS, PGS; ngành Văn học năm nay “trắng” ứng viên nộp hồ sơ.
Ảnh minh họa (nguồn: Internet) |
Tiêu chuẩn xét bắt buộc đối với ứng viên GS là đã được bổ nhiệm PGS; ứng viên PGS phải có bằng tiến sĩ; có sản phẩm từ nghiên cứu khoa học được tính điểm. Ngoài ra, các ứng viên phải chủ trì nhiệm vụ khoa học và công nghệ, hướng dẫn chính nghiên cứu sinh, học viên cao học; chủ trì biên soạn sách phục vụ đào tạo từ trình độ đại học trở lên; chủ trì hoặc tham gia phát triển chương trình đào tạo, nhiệm vụ khoa học và công nghệ đã được thẩm định đưa vào sử dụng là tiêu chuẩn bắt buộc đối với ứng viên GS; đủ thâm niên giảng dạy, giờ giảng, điểm công trình khoa học theo quy định...
Bài báo khoa học để tính tiêu chuẩn xét phải là công trình khoa học của tác giả đã được công bố trên tạp chí khoa học có mã số chuẩn quốc tế ISSN, thể hiện rõ ý tưởng khoa học, nội dung cần thiết của vấn đề nghiên cứu, tình hình nghiên cứu trong nước và quốc tế, những đóng góp chính về lý thuyết và ứng dụng; phương pháp, phương tiện nghiên cứu, nguồn tư liệu trích dẫn và tài liệu tham khảo.
Về vấn đề tiêu chuẩn xét bắt buộc đối với ứng viên GS, PGS, cá nhân người viết cho rằng, việc công khai hồ sơ của các ứng viên trên website, từ công bố khoa học đến lý lịch học thuật, giúp nâng cao chất lượng xét duyệt và tránh những vi phạm trong quá trình đánh giá.
Lợi ích lớn nhất của việc công khai thông tin là tăng cường tính minh bạch và sự giám sát từ cộng đồng học thuật; giúp đảm bảo quy trình xét duyệt chức danh GS, PGS được thực hiện công bằng và khách quan. Tuy nhiên, minh bạch thông tin cần có sự cân bằng giữa quyền riêng tư và trách nhiệm công khai trong học thuật.
Việc công khai kết quả xét của Hội đồng Giáo sư các cấp, công khai Bản đăng ký (Mẫu 1) trong hồ sơ ứng viên, công khai Lý lịch khoa học của các thành viên Hội đồng Giáo sư ngành, liên ngành và Hội đồng Giáo sư nhà nước thể hiện tính công khai, minh bạch trong công tác xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS...
Quy định về các bài báo quốc tế có uy tín trong tiêu chuẩn xét chức danh GS, PGS là một bước tiến đáng ghi nhận so với trước đây, góp phần quan trọng thúc đẩy nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu khoa học, đặc biệt là công bố quốc tế các sản phẩm nghiên cứu khoa học.
Hy vọng rằng, số lượng GS, PGS được Hội đồng Giáo sư Nhà nước xét công nhận sắp tới sẽ góp phần gia tăng sức mạnh của đội ngũ trí thức Việt Nam trong sự nghiệp đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế ngày càng toàn diện.
Trường Minh (Thanh Oai, Hà Nội, minhpham*****@gmail.com)