Xếp hạng giáo viên: Hạng nào, đạo đức đó?

(khoahocdoisong.vn) - Theo các Thông tư 01, 02, 03, 04 quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp của Bộ GD&ĐT mới đây, mỗi hạng lại có những tiêu chuẩn đạo đức khác nhau.

Giáo viên hạng càng cao, tiêu chí về đạo đức càng cao

Bộ GD&ĐT vừa ban hành các Thông tư 01, 02, 03, 04 quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non, các trường phổ thông công lập.

Những thông tư này đã có nhiều điểm khiến giáo viên phản ứng, bức xúc, thắc mắc, trong đó có các nội dung liên quan tới quy định về đạo đức nghề nghiệp khác nhau ở từng hạng giáo viên.

Cụ thể, tại Thông tư 03, giáo viên THCS hạng III có 4 tiêu chuẩn về đạo đức nghề nghiệp. Đó là:

a, Chấp hành các chủ trương, đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các quy định của ngành và địa phương về giáo dục THCS;

b) Thường xuyên trau dồi đạo đức, nêu cao tinh thần trách nhiệm, giữ gìn phẩm chất, danh dự, uy tín của nhà giáo; gương mẫu trước học sinh;

c) Thương yêu, đối xử công bằng và tôn trọng nhân cách của học sinh; bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng của học sinh; đoàn kết, giúp đỡ đồng nghiệp;

d) Thực hiện nghiêm túc các quy định về đạo đức nhà giáo; quy định về hành vi, ứng xử và trang phục.

Đối với giáo viên THCS hạng II, tại phần Tiêu chuẩn về đạo đức nghề nghiệp, thông tư ghi: “Ngoài các tiêu chuẩn về đạo đức nghề nghiệp của giáo viên trung học cơ sở hạng III, giáo viên THCS hạng II phải luôn luôn gương mẫu thực hiện các quy định về đạo đức nhà giáo”.

Như vậy, theo cách diễn đạt, có thể hiểu “gương mẫu thực hiện các quy định về đạo đức nhà giáo” là yêu cầu “thăng hạng” về đạo đức đối với giáo viên hạng II so với hạng III chỉ là “thực hiện nghiêm túc các quy định về đạo đức nhà giáo”. Nhưng câu hỏi đặt ra là: Giữa việc “nghiêm túc thực hiện” và “gương mẫu thực hiện” khác nhau như thế nào? Sao lại có một tiêu chí không rõ ràng như vậy?

Tương tự, đối với giáo viên THCS hạng I, phần Tiêu chuẩn về đạo đức nghề nghiệp thông tư ghi rõ: “Ngoài các tiêu chuẩn về đạo đức nghề nghiệp của giáo viên THCS hạng II, giáo viên THCS hạng I phải là tấm gương mẫu mực về đạo đức nhà giáo và vận động, hỗ trợ đồng nghiệp thực hiện tốt các quy định về đạo đức nhà giáo”.

Từ những dẫn chứng trên có thể thấy, với mỗi hạng giáo viên, thì yêu cầu về đạo đức cũng được “thăng hạng”. Theo đó, với cách diễn đạt của thông tư, có thể hiểu, với hạng càng cao thì yêu cầu về đạo đức cũng càng được đòi hỏi cao hơn, nhiều hơn.

Tại các thông tư còn lại, đối với giáo viên các bậc học khác cũng vậy, yêu cầu về đạo đức cũng cao dần theo từng hạng của giáo viên.

Chẳng hạn, đối với giáo viên mầm non hạng II thì "... ngoài các tiêu chuẩn với giáo viên mầm non hạng III, giáo viên mầm non hạng II phải luôn gương mẫu thực hiện các quy định về đạo đức nhà giáo".

Hoặc đối với giáo viên tiểu học, để được thăng hạng I thì yêu cầu về đạo đức: “Ngoài các tiêu chuẩn về đạo đức nghề nghiệp của giáo viên tiểu học hạng II, giáo viên tiểu học hạng I phải là tấm gương mẫu mực về đạo đức nhà giáo và vận động, hỗ trợ đồng nghiệp thực hiện tốt các quy định về đạo đức nhà giáo”, thông tư ghi rõ.

Có thể xếp hạng nào, đạo đức đó hay không?

Nhiều giáo viên có ý kiến cho rằng, việc quy định đạo đức nhà giáo theo từng hạng có nhiều điểm khó hiểu.

Thứ nhất, không thể nào lại đưa ra tiêu chuẩn đạo đức giáo viên cho từng hạng. Và ở hạng cao, thì yêu đạo đức càng cao.

Bởi, đạo đức là giá trị phổ quát, nếu nói tới đạo đức nghề giáo, thì mọi giáo viên đều phải đạt được khi đứng trên bục giảng.

Chứ không phải, khi ở hạng thấp thì chỉ cần đạo đức thế này, khi ở hạng cao hơn, thì lại cần đạo đức cao hơn.

“Đó là một điều rất lạ lùng, tôi không hiểu sao Bộ GD&ĐT lại đưa ra tiêu chí như vậy”, một giáo viên chia sẻ.

Thứ hai, quy định về “Đạo đức nhà giáo”, được Bộ GD&ĐT ban hành từ năm 2008 tại Quyết định số 16/2008/QĐ-BGDĐT, trong đó, có nêu rất cụ thể yêu cầu về đạo đức nhà giáo, từ phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp, lối sống tác phong, giữ gìn và bảo vệ đạo đức nhà giáo.

Thế nhưng, tại các thông tư 01, 02, 03, 04 quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non, các trường phổ thông công lập, thì lại có các tiêu chuẩn về đạo đức nghề nghiệp riêng ở mỗi hạng.

Và trong các tiêu chuẩn đó, có việc thực hiện các quy định về đạo đức nghề giáo.

Như vậy, có thể hiểu, đối với các thông tư này, đạo đức nhà giáo nằm trong tiêu chuẩn về đạo đức nghề nghiệp.

Câu hỏi đặt ra là, vì sao có quy định về đạo đức nghề giáo rồi, mà lại còn phải thêm các tiêu chuẩn về đạo đức nghề nghiệp riêng của từng hạng? Như vậy, có phải là sự rườm rà, rối rắm, trùng lặp, không cần  thiết hay không?

Lấy ví dụ, tại khoản C nêu trên, giáo viên phải: “Thương yêu, đối xử công bằng và tôn trọng nhân cách của học sinh; bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng của học sinh; đoàn kết, giúp đỡ đồng nghiệp”.

Thì tại Quy định về đạo đức nhà giáo cũng có nội dung này: “Đoàn kết, giúp đỡ đồng nghiệp cùng hoàn thành tốt nhiệm vụ; đấu tranh, ngăn chặn những hành vi vi phạm pháp luật và các quy định nghề nghiệp. Quan hệ, ứng xử đúng mực, gần gũi với nhân dân, phụ huynh học sinh, đồng nghiệp và người học; kiên quyết đấu tranh với các hành vi trái pháp luật”.

Việc đưa thêm các tiêu chuẩn về đạo đức nghề nghiệp trong chùm thông tư mới, theo nhiều giáo viên là thừa. Ngoài ra, cách dùng từ thiếu chặt chẽ, chính xác. Ví dụ, với từ “ngoài” thì có thể hiểu, sau đó là những cái bổ sung thêm. Tuy nhiên, theo như văn bản lại không phải vậy. Ví dụ, giữa “gương mẫu thực hiện các quy định về đạo đức nhà giáo” và “thực hiện nghiêm túc các quy định về đạo đức nhà giáo” thì có sự khác biệt thế nào, để phải dùng chữ “ngoài”?

Theo Đời sống
back to top