<div> <p>Chiều 13/3, tại Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự và phát biểu tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 3 tháng vận hành Cổng Dịch vụ công Quốc gia và công bố bổ sung 11 dịch vụ công trực tuyến trên Cổng.</p> <p>Hội nghị cũng ra mắt Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ phục vụ sự lãnh đạo, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, việc sử dụng dịch vụ công quốc gia sẽ góp phần chống tham nhũng, tiêu cực, đồng thời trong bối cảnh hiện nay góp phần chống Covid-19.</p> <table> <tbody> <tr> <td><img alt="xem xet tam dung thanh, kiem tra doanh nghiep trong boi canh covid-19 hinh 1" src="https://khds.1cdn.vn/2020/02/24/covid_19_1__mgyt.jpg" title="xem xét tạm dừng thanh, kiểm tra doanh nghiệp trong bối cảnh covid-19 hình 1" /></td> </tr> <tr> <td style="text-align: center;"><em><span>Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị.</span></em></td> </tr> </tbody> </table> <p>Trước bối cảnh dịch bệnh, Thủ tướng đề nghị xem xét tạm dừng các cuộc thanh tra, kiểm tra để doanh nghiệp tập trung khắc phục khó khăn.</p> <p>Phát biểu khai mạc tại hội nghị, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho biết, 11 dich vụ công trực tuyến bổ sung lên Cổng Dịch vụ công quốc gia như: nộp tiền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, thí điểm tại 5 địa phương là Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng và Bình Thuận; nộp lệ phí trước bạ ô tô, xe máy, thí điểm tại Hà Nội và TP HCM; nộp thuế cá nhân, thuế doanh nghiệp, thuế môn bài; hủy tờ khai hải quan, bổ sung tờ khai hải quan; đăng ký cung ứng hợp đồng lao động; đăng ký mã số đơn vị quan hệ ngân sách; đăng ký khai sinh tại 45 tỉnh, thành phố và cấp lý lịch tư pháp tại 58 tỉnh, thành phố.</p> <p>Tại thời điểm này, người dân và doanh nghiệp khi truy cập vào cổng dịch vụ công quốc gia có thể sử dụng các dịch vụ này không phụ thuộc vào địa giới hành chính.</p> <p>Đối với Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ, Văn phòng Chính phủ đã phối hợp với Tập đoàn Bưu chính Viễn thông (VNPT) xây dựng và triển khai theo hình thức Tập đoàn VNPT đầu tư, Văn phòng Chính phủ thuê lại. Đến nay đã tích hợp 19 chế độ báo cáo của 11 cơ quan, bước đầu cung cấp thông tin hàng ngày trên một số lĩnh vực phục vụ sự lãnh đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.</p> <p>Tại hội nghị, trước sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ, các đơn vị đã trình diễn việc người dùng được trải nghiệm một số dịch vụ trên cổng dịch vụ công quốc gia.</p> <p>Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, việc sử dụng dịch vụ công trực tuyến quốc gia góp phần tiết kiệm chi phí cho người dân và doanh nghiệp, góp phần chống tham nhũng vặt khi người cung cấp và người sử dụng dịch vụ không gặp nhau.</p> <p>Việc sử dụng dịch vụ công trực tuyến cũng góp phần phòng, chống dịch Covid-19 khi ít tiếp xúc và hạn chế sử dụng tiền mặt. Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo các địa phương phải quan tâm kết nối vào Cổng dịch vụ công quốc gia để tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.</p> <table> <tbody> <tr> <td><img alt="xem xet tam dung thanh, kiem tra doanh nghiep trong boi canh covid-19 hinh 2" src="https://khds.1cdn.vn/2020/03/02/covid_19_2__adev.jpg" title="xem xét tạm dừng thanh, kiểm tra doanh nghiệp trong bối cảnh covid-19 hình 2" /></td> </tr> <tr> <td style="text-align: center;"><em><span>Thủ tướng và các đại biểu chứng kiến cán bộ Công an thực hiện quy trình nộp phạt trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia.</span></em></td> </tr> </tbody> </table> <p>Nhân dịp này, Thủ tướng biểu dương sự nỗ lực của nhiều bộ, ngành, địa phương, một số tập đoàn kinh tế đã có đóng góp trực tiếp vào việc cung cấp dịch vụ công lên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Thủ tướng yêu cầu, quá trình cung cấp dịch vụ công phải đảm bảo bảo mật thông tin cá nhân cho các cá nhân sử dụng dịch vụ.</p> <p>Nhấn mạnh, các dịch vụ công phải đảm bảo tốt hơn, tiết kiệm và hiệu quả hơn thì người dân mới sử dụng, Thủ tướng đặt vấn đề: "<span>Cần tiếp tục đổi mới, cải tiến cả quy trình, đơn giản hóa thủ tục, nâng cao chất lượng phục vụ Dịch vụ công trên Cổng. Tôi xin nói chưa chắc qua Cổng hoặc qua mạng Internet mà chúng ta đã tạo được thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Vấn đề vẫn nằm ở con người, đây là điểm chưa rõ và cần làm đi làm lại nhiều lần. </span></p> <p><span>Sự chuẩn hóa là rất quan trọng để thực sự tạo thuận lợi. Do đó không chỉ dừng lại ở kết quả làm được mà phải đổi mới, cải tiến hơn nữa các dịch vụ công thời gian tới, thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp. Trong lúc khó khăn dịch bệnh này thì tạo thuận lợi cho người dân là rất quan trọng. Các cuộc thanh tra kiểm tra thì xem xét dừng lại, để doanh nghiệp tập trung thời gian khắc phục khó khăn".</span></p> <p>Theo đó, Thủ tướng đề nghị, tập trung rà soát cắt giảm thủ tục hành chính, chi phí cho doanh nghiệp, từ đó thúc đẩy doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Cùng với đó là đẩy nhanh việc hoàn thành cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, từ đó làm cơ sở để triển khai nhiều dịch vụ công khác.</p> <p>Các bộ, ngành, địa phương phải tiếp nhận, giải quyết đúng tiến độ, chất lượng, thường xuyên cải tiến, đổi mới các thủ tục để nâng cao chất lượng phục vụ. Vừa qua mới triển khai một số dịch vụ ở một số địa phương, chưa nhân rộng nên các bộ cần triển khai, rút kinh nghiệm để triển khai toàn trước 30/6 tới.</p> <p>Bộ Thông tin và Truyền thông sớm triển khai hệ thống giám sát Chính phủ điện tử để thu thập, đo lường mức độ sử dụng dịch vụ công trực tuyến đối với từng địa phương, bộ, ngành./.</p> <p> <span> </span></p> </div> <p> </p>