<div> <p><strong>Doanh nghiệp được biệt đãi nhưng không giảm giá</strong></p> <p>Sau 10 tháng được hưởng ưu đãi thuế từ Nhà nước, hầu hết dòng xe vẫn không giảm là bao. Thậm chí, nhiều mẫu xe ''hot", doanh số tốt trên 1.000 chiếc bán ra mỗi tháng vẫn neo mức rất cao.</p> <figure class="image align-center"><img alt="Xe Indonesia vô địch giá rẻ ở Việt Nam, giấc mơ xế hộp trời Âu dần xa vời - 1" src="https://khds.1cdn.vn/2021/05/23/icdn-dantri-com-vn_xe-lap-rap-crop-crop-1621739985463.jpeg" title="Xe Indonesia vô địch giá rẻ ở Việt Nam, giấc mơ xế hộp trời Âu dần xa vời - 1" /> <figcaption> <p>Được hưởng nhiều ưu đãi song nhiều liên doanh xe hơi tại Việt Nam vẫn bán xe đắt đỏ (Ảnh minh họa).</p> </figcaption> </figure> <p>Theo Nghị định số 57/2020/NĐ-CP, bắt đầu từ 10/7/2020, Chính phủ cho phép bỏ thuế nhập khẩu linh kiện đối với doanh nghiệp sản xuất, gia công <span>ô tô</span> trong nước chưa sản xuất được các linh kiện nhằm giảm chi phí sản xuất, giảm giá xe hơi. Điều kiện để doanh nghiệp được miễn, bỏ thuế nhập là đáp ứng quy định về sản lượng chung - riêng tối thiểu.</p> <p>Tuy nhiên, thực tế, giá bình quân hầu hết mẫu xe, dòng xe tại Việt Nam sau 10 tháng được hưởng ưu đãi từ Nhà nước vẫn không giảm là bao. </p> <p>Nhiều mẫu xe như <span>Toyota</span> Vios, Honda City, Mazda 3, Hyundai Accent... được lắp ráp trong nước có doanh số đều trên 1.000 chiếc/tháng, song đều là những mẫu xe có giá thành tương đối cao, mẫu thấp nhất cũng trên 450 triệu đồng/chiếc, cao lên đến 700 triệu đồng/chiếc.</p> <p><strong>Giấc mơ xe giá rẻ châu Âu xa vời</strong></p> <p>Theo điều khoản của Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam và EU (EVFTA), Việt Nam sẽ dỡ bỏ dần và xóa bỏ thuế nhập khẩu xe châu Âu bắt đầu từ năm 2021 đến hết 2020 và 2030, song đã trải qua 4 tháng được giảm thuế nhập 6,8-7,4%/năm, giá xe châu Âu vào Việt Nam vẫn khá đắt đỏ.</p> <figure class="image align-center"><img alt="Xe Indonesia vô địch giá rẻ ở Việt Nam, giấc mơ xế hộp trời Âu dần xa vời - 2" src="https://khds.1cdn.vn/2021/05/23/icdn-dantri-com-vn_xe-chau-au-1591768531116.jpg" title="Xe Indonesia vô địch giá rẻ ở Việt Nam, giấc mơ xế hộp trời Âu dần xa vời - 2" /> <figcaption> <p>Xe châu Âu dù được giảm thuế nhưng vẫn rất khó vào được thị trường Việt Nam. Trong ảnh là các các dòng xe nổi tiếng của Đức (Ảnh minh họa).</p> </figcaption> </figure> <p>Dưới tác động của đại dịch, cùng với tổng cầu suy giảm, lượng xe nhập châu Âu về Việt Nam 4 tháng qua đã suy giảm mạnh so với trước đây.</p> <p>Thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, 4 tháng đầu năm, lượng xe nhập từ các nước châu Âu khoảng 436 chiếc, trong đó có cả những mẫu xe, dòng xe chuyên dụng, đặc chủng.</p> <p>Lượng xe nhập về hiện đã giảm gần 35 chiếc so với cùng kỳ năm trước. Thị trường suy giảm nhiều nhất là Đức khi 4 tháng qua chỉ nhập được hơn 326 chiếc, giảm hơn 60 chiếc so với cùng kỳ năm trước.</p> <p>Các mẫu xe châu Âu có mặt ở Việt Nam như BMW và Mercedes hiện có doanh số tốt nhất; trong đó BMW và mẫu mini được nhập bởi Trường Hải - THACO - có doanh số bán khá cao hơn 580 chiếc.</p> <p>Về mức giá bình quân xe nhập từ các nước Anh, Pháp, Đức - 3 quốc gia sản xuất xe hơi lớn nhất EU - xe Anh hiện có giá bình quân hơn 2,3 tỷ đồng/chiếc, xe Đức hơn 1,7 tỷ đồng, xe Pháp hơn 1,9 tỷ đồng.</p> <p>Mức giá xe Anh đã giảm bình quân 100 triệu đồng/chiếc theo khai báo trị giá hải quan của doanh nghiệp khi nhập về Việt Nam. Trong khi đó, xe nhập từ Pháp giảm từ 2,4 tỷ đồng xuống 1,9 tỷ đồng khi về Việt Nam.</p> <p>Đáng nói, xe các nước châu Âu hiện không có dòng xe giá rẻ, dung tích thấp. Dung tích động cơ đốt trong của các nước cũng có tối thiểu 1.600 cc (là dòng xe Volkswagen - Thụy Điển). Các mẫu như BMW, Audi nhập nguyên chiếc về Việt Nam đều có dung tích trên 2.000 cc trở lên, trong khi Mercedes lắp ráp tại Việt Nam có mẫu dung tích xy-lanh thấp nhất 1.500 cc, các mẫu nhập đều từ trên 2.000 cc.</p> <p>Mặc dù thuế suất đã giảm, thuế nhập tuyệt đối đánh vào xe của EU khi vào Việt Nam vẫn rất cao, đều trên 50%-64%/chiếc. Chính vì vậy, các mẫu xe này bị đội giá khá mạnh. Thêm vào đó, những dòng xe nhập đều có dung tích xilanh lớn, chịu thuế tiêu thụ đặc biệt cao, nên rất khó giảm giá mạnh và mở rộng thị trường, khách hàng.</p> <p>Bên cạnh đó, việc hạn chế nhà nhập khẩu, phân phối trên thị trường đã và đang cản trở những mẫu xe nhập từ EU vào lãnh thổ Việt Nam. Hiện chỉ có một vài hãng xe nhập ở Việt Nam nhưng tỷ lệ xe bán ra không cao, gặp khó khăn khi số khách hàng mục tiêu đã bị giảm do tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19.</p> <p><strong>Giá xe nhập rẻ bất ngờ, chỉ dưới 300 triệu đồng mỗi chiếc</strong></p> <p>Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, 15 ngày đầu tháng 5, xe nhập về Việt Nam tăng mạnh so với cùng kỳ các năm trước, lượng nhập tăng hơn 166%.</p> <p>Điều đáng nói, giá xe nhập từ một số thị trường, trong đó có Indonesia về Việt Nam rất thấp, trung bình dưới 300 triệu đồng/chiếc (280 triệu đồng/chiếc).</p> <figure class="image align-center"><img alt="Xe Indonesia vô địch giá rẻ ở Việt Nam, giấc mơ xế hộp trời Âu dần xa vời - 3" src="https://khds.1cdn.vn/2021/05/23/icdn-dantri-com-vn_xe-indonesia-1594894686441.jpg" title="Xe Indonesia vô địch giá rẻ ở Việt Nam, giấc mơ xế hộp trời Âu dần xa vời - 3" /> <figcaption> <p>Xe nhập khẩu Indonesia vô địch giá rẻ ở Việt Nam (Ảnh minh họa).</p> </figcaption> </figure> <p>Hiện, xe hơi nhập khẩu từ Thái Lan, Indonesia vào Việt Nam có lợi thế rất lớn khi không phải chịu thuế nhập khẩu. Tuy nhiên, do chiến lược thị trường của các hãng nên những mẫu xe nhập về Việt Nam tương tự bản bán ra tại Indonesia và Thái Lan có giá cao, chênh từ 100 đến 200 triệu đồng/chiếc so với phiên bản bán tại Việt Nam.</p> <p>Hiện, giá bán các mẫu xe trên thị trường Việt Nam thấp nhất hơn 350 triệu đồng/chiếc, thuộc về bản xe base của Hyundai i10 và một số dòng xe chạy dịch vụ. Những mẫu xe có giá 400 - 500 triệu đồng là bản hatchback, sedan phổ thông của Toyota, Hyundai, Kia, Mazda, VinFast. Doanh thu của dòng xe này hiện nay khá lớn, chiếm khoảng trên 50% doanh số toàn thị trường.</p> <p>Các mẫu xe trên 500 đến 800 triệu đồng/chiếc hiện nay đều đa phần là bản lắp ráp trong nước, có doanh thu vừa phải khoảng 40%, còn lại 10% là các dòng xe giá cao trên 800 triệu đồng đến ngưỡng 3 tỷ đồng.</p> <p> </p> </div> <p> </p>