Từ ngày 30/1 đến nay, xe chở dưa hấu từ Việt Nam sang Trung Quốc xếp hàng chục km tại cửa khẩu Tân Thanh, Lạng Sơn. Nguyên nhân là do sự điều tiết từ phía Trung Quốc và bài toán cung – cầu.
Tháng 2 đến tháng 4 hàng năm là thời điểm chính thu hoạch dưa hấu, thanh long… ở các tỉnh phía Nam nên hàng nông sản chở lên khu vực biên giới để bán trở nên quá tải. Dù hoa quả ùn ứ tại cửa khẩu Tân Thanh diễn ra trong nhiều ngày qua nhưng tâm lý người bán cho rằng, vào dịp đầu năm mới, người Trung Quốc ưu tiên tiêu dùng dưa hấu, thanh long cho “đỏ” nên các thương lái vẫn đổ các mặt hàng này về nhiều.
Kết quả là các xe hoa quả lên cửa khẩu làm thủ tục thông quan, xuất bán hàng tiếp tục ùn ứ từ cửa khẩu Tân Thanh, huyện Văn Lãng đến khu vực Pò Hà, Pá Phiêng, huyện Cao Lộc kéo dài hơn 10 km.
Hàng trăm xe tải chờ dưa hấu xếp hàng chờ xuất bán sang Trung Quốc tại cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn)
Đây là cửa khẩu duy nhất được phía Trung Quốc cho nhập hàng nông sản, hoa quả tươi, nên dù ách tắc, chủ hàng vẫn phải chờ đợi để bán được nông sản sang chợ Pò Chài bên kia biên giới. Trong khi nhiệt độ ngoài trời khu vực này ban đêm chỉ 1-2 độ C, nhưng các lái xe phải ăn chực, nằm chờ nhiều ngày trời và lo lắng không kịp về đón Tết.
Nếu như trước đây, các xe chở dưa chủ yếu là xe tải thường, trên xe chỉ lót rơm rạ, hoa quả để nhiều ngày, do ảnh hưởng của thời tiết, thối phải đổ đi thì nay các xe chở hoa quả đều là xe container có thùng lạnh để bảo quản.
Những năm qua, Trung Quốc có chính sách biên mậu, phân phối, phát triển đồng đều ở các cửa khẩu biên giới giáp Việt Nam. Tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc tiếp giáp với nhiều tỉnh Việt Nam. Phía Trung Quốc đã quy hoạch, hình thành các khu mậu dịch, xây dựng các chợ đầu mối lớn như chợ chợ đầu mối hoa quả Pò Chài, đối diện với chợ Tân Thanh (Lạng Sơn).
Đối diện với cửa khẩu, chợ Móng Cái là chợ đầu mối hải sản cửa khẩu Đông Hưng, Trung Quốc. Các chợ này hình thành lâu đời. Có một yếu tố khác dẫn đến việc hàng nông sản của Việt Nam bị “lép vế”, thua thiệt, là do sự điều tiết từ phía Trung Quốc. Nước bạn đã đưa ra những chính sách cửa khẩu và thu thuế riêng cho từng vùng lãnh thổ và các doanh nghiệp Việt Nam buộc phải theo sự “phân vùng” này của họ.
Theo Ban Kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng, Lạng Sơn, Tổng cục Kiểm nghiệm kiểm dịch Quảng Tây (Trung Quốc) đã chỉ định đối với mặt hàng dưa hấu chỉ nhập khẩu qua cửa khẩu Pò Chài và thị xã Bằng Tường (khu tự trị dân tộc Choang, Quảng Tây, Trung Quốc). Đối diện với cửa khẩu Pò Chài (Trung Quốc) là cửa khẩu Tân Thanh, khi xảy ra việc ách tắc hoa quả, doanh nghiệp Việt Nam không thể xuất hàng qua các cửa khẩu khác ở Lạng Sơn được.
Ngoài ra, Trung Quốc có chính sách đánh vào thuế xuất nhập khẩu để buộc doanh nghiệp hai nước Việt – Trung phải tuân theo. Ví dụ, một xe tải đông lạnh quả măng cụt của Việt Nam xuất sang Trung Quốc qua cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (huyện Cao Lộc), Trung Quốc đánh thuế 100 triệu đồng. Cũng xe măng cụt này, nếu chuyển sang xuất ở cửa khẩu Cốc Nam (cách Hữu Nghị mấy cây số), Trung Quốc áp thuế chỉ 30 triệu đồng.
Vẫn là bài toán về cung-cầu
Chợ đầu mối hoa quả Pò Chài có bãi Khả Phong. Bãi này có diện tích lớn, chứa được từ 400-500 container hàng hóa. Từ trước đến nay, việc buôn bán nông sản qua biên giới theo hình thức bán chợ, trao đổi cư dân biên giới, không có hợp đồng, không có cam kết, thuận mua vừa bán nên việc bán hàng gặp nhiều khó khăn.
Các xe hàng xuất là nông sản, hoa quả có xuất xứ trong nước thì thuế suất bằng 0%. Sau khi đánh xe từ trong Nam lên biên giới Lạng Sơn, các chủ hàng mở tờ khai hải quan, làm thủ tục thông quan chở hàng sang bãi Khả Phong rồi chào bán. Hoa quả bán được thì bán, không bán được, lỗ phải chịu.
Khi lượng hàng mang lên nhiều, các tư thương Trung Quốc có quyền lựa chọn nâng lên, hạ xuống, thậm chí ép giá. Tại thời điểm hiện tại, dưa hấu có giá dao động từ 10.000 – 12.000/kg và thanh long từ 19.000 – 21.000/ kg.
Đại úy Nguyễn Ngọc Cảnh – Phó Trạm trưởng Trạm Kiểm soát Biên phòng Tân Thanh cho hay: “Việc mua bán kiểu đi chợ này phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Ngoài việc giáp Tết xe hàng lên nhiều bán hàng Tết thì dịp này, điều kiện thời tiết ảnh hưởng nhiều đến việc mua bán hàng hóa. Ở Việt Nam rét, Trung Quốc còn rét hơn, nhiệt độ dưới âm độ C rất sâu, băng giá rơi nhiều nơi. Hoa quả tươi khó bảo quản, dễ hỏng.
Nếu không bảo quản tốt, dưa hấu, thanh long gặp lạnh sẽ đông cứng lại. Những ngày qua, các cơ quan chức năng đã tạo điều kiện cho bà con xuất nhập cảnh, xuất nhập khẩu hàng hóa, lưu lượng không khống chế, thủ tục đơn giản, giờ mở cửa cửa khẩu hai bên từ 7 giờ sáng đến 7 giờ tối, nay mở đến 9 giờ tối. Tuy nhiên, trung bình mỗi ngày chỉ xuất được khoảng 300 xe hàng”.
Trao đổi với PLVN, ông Đoàn Tuấn Anh – Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Tân Thanh (Cục Hải quan Lạng Sơn) cho biết, từ ngày 2 đến hết ngày 4/2, đã có 845 xe nông sản xuất sang bên kia biên giới. Trong ngày 5/2, đến thời điểm 15 giờ chiều, đã xuất được thêm 200 xe nông sản nhưng vẫn còn khoảng 400 xe (trong đó phần lớn là dưa hấu) đang ùn ứ tại khu vực cửa khẩu Tân Thanh.
Bên bãi kiểm hóa của Trung Quốc hiện đặc kín xe. “Có thể ở Trung Quốc có bão tuyết lạnh giá nên mặt hàng dưa hấu tiêu thụ rất chậm. Chủ hàng Trung Quốc chọn lọc rất kỹ khi nhập hàng. Trung bình mỗi xe sang bên đó cũng bị trả về 1, 2 tấn dưa hấu”, ông Tuấn Anh nói.
QD (Tổng hợp)