Cứ 10 học sinh thì 7 em trải nghiệm bạo lực học đường
PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các Khoa học Giáo dục, Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, bạo lực học đường là một trong những vấn đề của toàn cầu.
Bạo lực học đường bao gồm: Bạo lực về mặt thể chất, kể cả trừng phạt thân thể (là các hành vi sử dụng vũ lực hay áp lực gây ra đau đớn về thể xác cho một người nào đó nhưng không nhằm gây thương tích); bạo lực tâm lý, trong đó có lạm dụng bằng lời nói; bạo lực tình dục, trong đó có cưỡng hiếp và quấy rối; và bắt nạt, bao gồm cả bắt nạt truyền thống (trực tiếp) và bắt nạt trực tuyến (trên mạng internet).
Bắt nạt truyền thống mặt đối mặt và bắt nạt trực tuyến là vấn đề hiện nay đang báo động ở thanh thiếu niên các quốc gia trên thế giới.
Bạo lực học đường và bắt nạt có thể xảy ra ở trong và ngoài lớp học, xung quanh trường học, trên đường đi tới tường và trên môi trường mạng internet.
Trong trường học, bắt nạt thường xảy ra ở những nơi như nhà vệ sinh, phòng thay đồ, sân chơi, lớp học trống tiết, hoặc những không gian khuất, nơi mà học sinh thường ít có sự giám sát của giáo viên và nhân viên nhà trường.
Theo số liệu của UNESCO (2017), tỷ lệ trẻ em và vị thành niên là nạn nhân của bạo lực học đường hàng năm lên đến 246 triệu người trên toàn thế giới.
Số liệu của Plan International và Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế về phụ nữ (ICRW) khảo sát trên 5 quốc gia là Campuchia, Việt Nam, Indonesia, Pakistan và Nepal cho thấy, cứ 10 học sinh thì có 7 em từng trải nghiệm bạo lực học đường.
Quốc gia có số học sinh hứng chịu nạn bạo lực cao nhất là Indonesia (84%); thấp nhất là Pakistan với 43%.
Triển khai chương trình phòng ngừa bạo lực phù hợp lứa tuổi
Theo PGS.TS Trần Thành Nam, cách tiếp cận phòng ngừa và can thiệp toàn diện bạo lực học đường dựa vào trường học đã được chứng minh là một mô hình có hiệu quả.
Theo nghiên cứu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), một mô hình phòng chống bạo lực dựa vào trường học có hiệu quả khi tích hợp được các thành tố: Khung pháp lý, điều chỉnh chính sách có liên quan. Định kỳ thu thập dữ liệu về bạo lực và theo dõi sự thay đổi theo thời gian. Triển khai các chương trình phòng ngừa bạo lực phù hợp với lứa tuổi.
Phản ứng nhanh với bạo lực khi nó xảy ra. Thực hiện các chính sách và đào tạo giáo viên phù hợp. Xem xét và điều chỉnh môi trường an toàn cho học sinh.
Kết nối, thu hút phụ huynh tham gia vào hoạt động phòng chống bạo lực; Kết nối, thu hút cộng đồng tham gia vào hoạt động phòng chống bạo lực. Định kỳ đánh giá hoạt động phòng chống bạo lực học đường
Một mô hình phòng chống bạo lực học đường hiệu quả phải đạt được các yêu cầu: Khả năng lãnh đạo mạnh mẽ; môi trường học đường an toàn và hòa nhập; phát triển kiến thức, thái độ và kỹ năng; mối quan hệ hợp tác hiệu quả; thực hiện các cơ chế báo cáo và cung cấp hỗ trợ, dịch vụ phù hợp dựa trên đánh giá định kỳ.
Các trường cần tuyên truyền phổ biến rộng rãi chính sách quốc gia, ngành và chính sách, nội quy, quy tắc ứng xử của nhà trường. Cam kết tạo ra môi trường học tập an toàn, toàn diện và có tính hỗ trợ cho tất cả học sinh.
Đào tạo và hỗ trợ giáo viên và nhân viên nhà trường về kỷ luật tích cực; cung cấp các chương trình giảng dạy và tài liệu học tập có liên quan đến phòng chống bạo lực học đường.
Phối hợp với cộng đồng, tổ chức xã hội và đặc biệt có sự tham gia tích cực của chính học sinh.
Tiếp cận một cách an toàn, tự tin, thân thiện với các cơ chế báo cáo và các dịch vụ hỗ trợ dành cho trẻ em.
Tiến hành nghiên cứu, theo dõi và đánh giá. Can thiệp bạo lực học đường tập trung vào việc thay đổi văn hóa của các trường học, nhất quán thể hiện lập trường mạnh mẽ chống lại bạo lực và hỗ trợ giáo viên sử dụng các cách kỷ luật tích cực và quản lý lớp học tích cực.
Tham gia vào mô hình phòng ngừa và can thiệp bạo lực học đường, cần huy động đa dạng các nguồn lực từ Ban giám hiệu, giáo viên, và các nhân viên trong trường học; học sinh; phụ huynh học sinh; chuyên viên tham vấn, tư vấn học đường, nhân viên công tác xã hội học đường; cơ quan thực thi pháp luật của địa phương; cơ sở chăm sóc sức khỏe thể chất và tâm thần thuộc địa phương.
Những nội dung phòng chống bạo lực học đường mà các cơ sở giáo dục cần phải triển khai, đó là cần huấn luyện kỹ năng giải quyết xung đột và chương trình giảng dạy phòng chống bạo lực.
Triển khai chương trình hòa giải ngang hàng (quy trình giúp học sinh giải quyết bất đồng mà không phải đối đầu hay bạo lực).
Tăng cường năng lực quản lý lớp học tích cực cho giáo viên. Triển khai chương trình phòng ngừa bắt nạt (cho mọi đối tượng trong toàn trường).
Cần xây dựng hệ thống xác định sớm, can thiệp sớm học sinh có nguy cơ bạo lực cao: Thiết lập vận hành định kỳ công tác đánh giá nguy cơ và sàng lọc toàn trường.
Lập quy trình xử lý các mối đe dọa (với giáo viên, học sinh, tài sản nhà trường theo mức độ nguy cơ). Tiến hành can thiệp sớm: Hướng dẫn và tư vấn cho cá nhân/nhóm.
Đặc biệt, phản ứng nhanh, hiệu quả với các khủng hoảng học đường.
Theo PGS.TS Trần Thành Nam, cũng cần nhận ra và xử lý tốt những yếu tố làm suy giảm hiệu quả của chương trình phòng chống bạo lực học đường như có tài liệu, văn bản hướng dẫn nhưng không áp dụng hay thực hiện. Chỉ dạy vài giờ cho có, cho qua về giáo dục pháp luật, ý thức về phòng chống bạo lực học đường cho giáo viên, học sinh hay Ban giám hiệu nhà trường.
Không tiếp tục giám sát và kiểm tra sau một thời gian thực hiện các hoạt động phòng chống bạo lực học đường dẫn đến suy giảm chất lượng. Không đánh giá được hoặc không khai thác sử dụng được hiệu quả các nguồn lực của nhà trường và các bên liên quan trong thiết lập môi trường an toàn xung quanh trường học.