Việt Nam từ 2017 nổi lên là quốc gia đầu tư phát triển năng lượng tái tạo lớn nhất Đông Nam Á. Tổng công suất điện mặt trời mà EVN tiêu thụ trong 6 tháng đầu năm 2020 lên đến 4,71 tỉ kWh và hiện có hàng trăm nhà đầu tư đang xếp hàng đăng ký đầu tư với tổng công suất lên tới hàng trăm GW.
Dự án điện mặt trời phát điện 24/7 tại Neveda Hoa Kỳ, dùng các gương hội tụ ánh sáng nung tháp nhiệt tạo nhiệt chạy tua bin hơi phát điện liên tục 24 tiếng/ngày cung cấp điện cho 75 ngàn hộ tiêu thụ |
Việc khai thác, ứng dụng năng lượng tái tạo nhằm tạo nguồn cung cấp điện đang là xu thế chung của nhiều nước trên thế giới, nhằm bảo đảm an ninh năng lượng và phát triển bền vững.
Các chuyên gia đầu ngành cho rằng, việc đầu tư hiệu quả để phát triển bền vững năng lượng tái tạo, không chỉ cho doanh nghiệp mà còn có tác động tích cực đến môi trường. Ngành năng lượng cần huy động được nguồn lực lớn của nhiều thành phần kinh tế, đóng góp quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh tại nhiều địa phương và đất nước.
Theo ông Lê Ngọc Ánh Minh- Chủ tịch Điều hành Pacific Group, doanh nghiệp phát triển chuỗi dự án điện mặt trời, điện gió, điện sinh khối tại Việt Nam và Asean, để xây dựng chuỗi cung ứng cho năng lượng tái tạo nhằm khai thác hiệu quả hơn cần nhiều yếu tố:
Quy hoạch điện mới nên bao gồm các ưu tiên về nội địa hóa vật tư thiết bị
Nhìn chung, các nhà phát triển điện tái tạo đi mua thiết bị về lắp và vận hành khai thác phát lên lưới. Chúng ta chưa có chiến lược nội đia hóa vật tư thiết bị. Khi có đầu ra lớn như vậy, đầu ra là các dự án hàng ngàn MW với giá trị hàng tỉ đôla chính là cơ hội cho khối sản xuất tham gia vào chuỗi cung ứng. Nhà làm chính sách nên cân nhắc ưu đãi đầu tư cho các nhà đầu tư sử dụng vật liệu và thiết bị trong nước, qua đó sẽ kích thích ngành sản xuất trong nước phát triển mạnh
Quy hoạch điện mặt trời mới nên xâu chuỗi cung ứng với khối sản xuất và tiêu dùng điện
Điện mặt trời phát vào ban ngày và không được lưu trữ. Nếu đầu tư hệ lưu trữ thì chi phí đội lên rất cao. Một giải pháp chiến lược khai thác nguồn năng lượng miễn phí hiệu quả đó là: VN có thể xây dựng chuỗi cung ứng tiêu thụ điện mặt trời hiệu quả thông qua một chiến lược phát triển xe điện quy mô lớn. Ô tô, xe tải và xe buýt điện khi phát triển quy mô lớn chính là 'khách hàng' tiêu thụ điện mặt trời hiệu quả nhất: các xe điện dùng ắc quy lưu trữ tích điện vào ban ngày khi trời nắng tốt và có thể sử dụng xuyên suốt thông qua một kế hoạch cung ứng, dự phòng ắc quy bài bản. Các xe điện góp phần bảo vệ môi trường tốt nhất vì chúng không phát thải khí ô nhiễm, đặc biệt tốt ở các đô thị lớn như Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội, nơi có ô nhiễm không khí ở mức báo động tăng dần.
Việc xâu chuỗi thứ nhì là đi kèm quy hoach các cơ sở sản xuất mà có thể chuyển hóa năng lượng sử dụng hiệu quả. Ví dụ như cơ sở chế biến hải sản đông lạnh được quy hoạch cận kề nhà máy điện mặt trời để có thể chuyển hóa điện mặt trời sản xuất nước đá cấp đông ủ dùng được vào ban đêm.
Dự án điện mặt trời phát điện 24/7 tại Neveda Hoa Kỳ, dùng các gương hội tụ ánh sáng nung tháp nhiệt tạo nhiệt chạy tua bin hơi phát điện liên tục 24 tiếng/ngày cung cấp điện cho 75 ngàn hộ tiêu thụ |
Quy hoạch điện mặt trời mới nên khuyến khích ứng dụng các công nghệ mới ngoài tấm pin vốn đang gây tranh cãi về ô nhiễm rác thải sau khi hết sử dụng.
Ngày nay, Châu Âu, Mỹ và Trung Quốc đã ứng dụng thành công công nghệ dùng tấm gương nung tháp nhiệt để chạy tua bin hơi, phát điện 24/7. Việt Nam chúng ta nên khuyến khích việc đa dạng hóa công nghệ điện mặt trời để tránh phụ thuộc duy nhất vào tấm pin.
Năng lượng tái tạo phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện tự nhiên cũng như công nghệ và giá thành sản xuất. Vì thế, để thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo, cần có các chính sách hỗ trợ cụ thể hơn về: cơ chế hạn ngạch, cơ chế giá cố định, cơ chế đấu thầu và cơ chế cấp chứng chỉ; thực hiện các dự án giải tỏa công suất năng lượng tái tạo là cấp bách, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà máy điện phát hết công suất.