Với học sinh tiểu học, chất đạm (protein) đóng vai trò quan trọng tham gia vào thành phần cấu tạo nên tế bào, là thành phần quan trọng của các hoóc-môn, các enzyme, tham gia vào sản xuất kháng thể. Năng lượng do protein cung cấp từ 13 - 20% nhu cầu năng lượng của cơ thể. Trong đó, tỉ lệ giữa protein động vật/protein tổng số nên đạt ≥ 50% (với trẻ từ 6 - 9 tuổi) và tỷ lệ này nên đạt ≥ 35% (với trẻ từ 10 - 11 tuổi).
Chất béo hay còn gọi là lipid đóng vai trò quan trọng trong cấu trúc màng tế bào và dự trữ trong các mô như nguồn dự trữ năng lượng của cơ thể. Theo nhu cầu khuyến nghị cho người Việt Nam, đối với trẻ em tiểu học, năng lượng do lipid cung cấp cần đạt 20 - 30% nhu cầu năng lượng của cơ thể, trong đó lipid nguồn động vật/lipid tổng số chiếm khoảng 30 - 50%, axít béo no không vượt quá 11% năng lượng khẩu phần.
Glucid (chất đường bột) cung cấp năng lượng cho cơ thể. Với học sinh tiểu học, năng lượng do glucid cung cấp cần đạt 50 - 60% nhu cầu năng lượng của cơ thể.
Các Vitamin A, C, nhóm B và chất khoáng tuy chiếm tỷ trọng nhỏ trong cơ thể những không thể thiếu. Tất cả các quá trình chuyển hóa trong cơ thể đều cần canxi. Với lứa tuổi tiểu học từ 6 - 7 tuổi nhu cầu canxi là 650mg/ngày, 8 - 9 tuổi là 700mg/ngày, 10 - 11 tuổi là 1.000mg/ngày, tỉ lệ canxi/phospho đạt mức tốt nhất là 1 - 1,5. Bên cạnh đó, sắt, kẽm góp phần thúc đẩy tạo máu, tăng trưởng cũng như tăng sức đề kháng của trẻ. Những vitamin này có nhiều trong hoa quả tươi, rau xanh, củ quả hay phủ tạng động vật, sữa, phô mai và trứng. Do vậy, nhà trường cần cung cấp cho trẻ bữa ăn đủ dinh dưỡng, hợp lý phù hợp với nhu cầu của cơ thể.
Nhà trường cần xây dựng thực đơn bữa ăn bán trú trong 8 tuần thực đơn không lặp lại, trong đó có 4 tuần thực đơn xuân-hè, 4 tuần thực đơn Thu-Đông. Bữa ăn đa dạng về nguồn gốc thực phẩm cung cấp chất đạm động vật và nguồn gốc thực vật. Bữa ăn đa dạng về các loại rau xanh, hoa quả chín từ 3 – 5 loại. Hạn chế sử dụng thực phẩm chế biến sẵn, các nguyên liệu muối và đường.