Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận kiến nghị của UBND TP Hải Phòng và UBND tỉnh Thái Bình, cho phép áp dụng quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 42 và điểm c khoản 2 Điều 43 Nghị định số 59/2015/NĐ-CP ngày 18/6/2015 về quản lý dự án đầu tư xây dựng đối với công trình xây dựng cầu vĩnh cửu thay thế cầu phao Sông Hóa.
Được biết, cầu phao Sông Hóa nằm trên tuyến đường huyết mạch nối từ trung tâm TP Hải Phòng đi các huyện phía Nam thành phố với khu vực ven biển của tỉnh Thái Bình. Đây là cầu phao được xây dựng từ những năm 1980, rộng 4 m, chỉ đáp ứng 1 làn xe tải trọng nhỏ lưu thông 1 chiều nên thường xuyên quá tải, ách tắc giao thông. Qua nhiều năm sử dụng, cầu phao đã nhiều lần bị hư hỏng, xuống cấp trầm trọng, sập gẫy, không đảm bảo an toàn khai thác, gây nguy hiểm đến tính mạng và tài sản của người tham gia giao thông.
UBND TP Hải Phòng cho biết, thời gian qua thành phố đã tập trung đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp các tuyến QL10, QL37, đường tỉnh 354 tạo thành hệ thống giao thông kết nối vùng giữa TP Hải Phòng với các tỉnh Thái Bình và Nam Định. Tuy nhiên, trên tuyến QL37 kết nối các huyện Vĩnh Bảo, Tiên Lãng, TP Hải Phòng với các huyện Thái Thụy và Tiền Hải, tỉnh Thái Bình vẫn còn duy nhất cầu phao Sông Hóa. Trước đó, Hải Phòng đã đầu tư cây cầu Hàn thay thế cầu phao Hàn cùng trên tuyến QL37. Vì vậy, TP Hải Phòng và tỉnh Thái Bình đều xác định sự cần thiết, cấp bách xây dựng cầu bê tông vĩnh cửu thay thế cầu phao Sông Hóa.
Thủ tướng Chính phủ giao UBND TP Hải Phòng chịu trách nhiệm toàn diện trong việc lựa chọn nhà thầu có đủ năng lực và kinh nghiệm; bố trí vốn đúng quy định của pháp luật đầu tư công, không để xảy ra tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản; chỉ đạo thực hiện bảo đảm chất lượng, tiến độ và hiệu quả công trình, không để xảy ra tiêu cực, thất thoát, lãng phí.