Trẻ tổn thương người lớn chưa ý thức hết
Vấn đề xâm hại tình dục trẻ em đang được dư luận tiếp tục quan tâm qua những diễn biến liên quan tới vụ án xử Nguyễn Hữu Linh với cáo buộc có hành vi dâm ô trẻ em.
Khai ở cơ quan điều tra, ông Linh thừa nhận 3 lần ôm hôn bé gái là sai nhưng không nhận tội vì cho rằng hành vi chưa đủ yếu tố cấu thành tội Dâm ô với người dưới 16 tuổi theo Điều 146 Bộ luật Hình sự 2015.
Luật sư Trần Bá Học (người bào chữa cho Nguyễn Hữu Linh ở phiên tòa sắp tới) trong bản gửi kiến nghị tới TAND quận 4 chỉ ra trong bản cam kết không khiếu nại, khiếu kiện của mẹ bị hại thể hiện: "Khi xảy ra sự việc, tôi đã gặp anh Linh, người đi chung thang máy với cháu và xác định sự việc cũng chỉ xuất phát từ quý cháu ôm hôn và thơm cháu chứ không xuất phát từ ý nghĩ xấu".
Bị can Nguyễn Hữu Linh, nguyên Viện phó VKS TP Đà Nẵng. |
Có nhiều năm làm công tác xã hội liên quan tới vấn đề xâm hại tình dục trẻ em, PGS.TS Nguyễn Hồi Loan, Trưởng khoa Công tác xã hội, Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia HN chia sẻ: Trong những vụ việc trẻ bị xâm hại tình dục, người chịu đau khổ, chịu hậu quả nặng nề nhất là đứa trẻ.
“Có những em đã không thể vượt qua được nỗi ám ảnh, bị bệnh trầm cảm, không thể hòa nhập được với cuộc sống, hủy hoại cả cuộc đời.
Nguy hiểm nhất là không phải đứa trẻ nào cũng bộc lộ ra nỗi đau khổ đó, mà âm thầm chịu đựng. Có những vấn đề, tổn thương đối với trẻ mà gia đình chưa ý thức được. Ngay cả bản thân đứa trẻ trong thời điểm hiện tại có thể cũng chưa ý thức được. Đến khi lớn lên, tới tuổi trưởng thành, xây dựng hạnh phúc gia đình, thì những thông tin, sự đàm tiếu… sẽ ảnh hưởng rất nhiều tới cuộc đời trẻ”, PGS.TS Nguyễn Hồi Loan nói.
Chính vì vậy, nếu gia đình có con là nạn nhân của xâm hại tình dục, thì cần gần gũi, quan tâm nhiều hơn, để giúp trẻ cân bằng tâm lý, vượt qua giai đoạn khủng hoảng, tiếp tục được cuộc sống bình thường.
Và đặc biệt, mục đích đầu tiên trong mọi lựa chọn, ứng xử phải là vì đứa trẻ, đặt quyền, lợi ích của trẻ lên hàng đầu. Nếu giả sử đứa trẻ bị xâm hại mà công lý không được thực thi, thì các em sẽ bị mất niềm tin vào cuộc sống, hậu quả mà các em phải gánh chịu càng thêm nặng nề.
PGS.TS Nguyễn Hồi Loan cho biết, ở các nước phát triển, những vụ việc liên quan tới trẻ em, đặc biệt là xâm hại tình dục, bao giờ cũng có những nhân viên công tác xã hội tham gia, bảo vệ quyền của trẻ em. Và việc làm của nhân viên xã hội sẽ không phụ thuộc vào quyết định hay cách ứng xử của gia đình nạn nhân.
Trong việc bảo vệ trẻ em khỏi nguy cơ xâm hại tình dục cần sự phối hợp của cả xã hội, trong đó có vai trò quan trọng của nhà trường. Ở các trường phía Nam, đã triển khai các chương trình phòng chống xâm hại tình dục cho trẻ em khá tốt. Còn các trường học ở miền Bắc, cũng đã có nhiều tổ chức, chương trình phối hợp với nhà trường thực hiện.
Đặc biệt, là vai trò của luật pháp. “Ở Mỹ, tội phạm liên quan tới trẻ em, đặc biệt là xâm hại tình dục bị phạt rất nặng. Họ sẽ bị cấm đi khỏi nơi cư trú, người dân sẽ được truyền bá mọi hình ảnh, thông tin về tội phạm. Bởi đây là tội xâm phạm tới nhân phẩm con người, chứ không phải trộm cắp bình thường”, ông Loan nói.
Phải rà lại văn bản pháp luật
Không ít các vụ án liên quan tới xâm hại tình dục trẻ em gần đây, dư luận đã có những bức xúc về việc thực thi của các cơ quan chức năng.
Một câu hỏi đặt ra, là vai trò giám sát của Quốc hôi, cụ thể là Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội như thế nào trong những vụ việc này.
Mới đây, các đại biểu Quốc hội đã đồng ý thông qua nghị quyết về chương trình giám sát của Quốc hội năm 2020. Theo đó, tại kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2020), Quốc hội sẽ giám sát tối cao chuyên đề "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em".
Nói về vấn đề này, đại biểu Phạm Ngọc Nghĩa (Thừa Thiên – Huế) đánh giá, khi vấn đề bạo lực học đường, xâm hại trẻ em đang tăng lên thì việc giám sát của Quốc hội rất tốt, đáp ứng được nhu cầu của xã hội, dư luận. QH là cơ quan quyền lực cao nhất thì phải thực hiện tốt giám sát này.
Theo đại biểu Nghĩa, để thực hiện tốt giám sát thì phải sớm thành lập đoàn giám sát, lựa chọn người, giao cho Ủy ban Văn hóa, Giáo dục,Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng xây dựng chương trình, làm việc với những địa phương để xảy ra những vụ việc trong thời gian qua, các bộ ngành liên quan.
“Phải rà lại văn bản pháp luật, chính sách pháp luật đối với trẻ em, rà lại bộ luật Hình sự... Đoàn giám sát nên mời chuyên gia về luật, ủy ban trước đây của Chính phủ, thậm chí những người đã về hưu tham gia. Từ đây rút được nguyên nhân, kiến nghị về sửa luật, kiến nghị sự quan tâm đối với trẻ em”, đại biểu Nghĩa nhấn mạnh.
Dự kiến, sáng 25-6, TAND quận 4 (TP.HCM) sẽ đưa vụ án "dâm ô với người dưới 16 tuổi" đối với bị cáo Nguyễn Hữu Linh (61 tuổi, nguyên Phó viện trưởng Viện KSND TP Đà Nẵng) ra xét xử sơ thẩm. Liên quan đến vụ việc, Đại biểu Phạm Văn Hòa, Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp cho rằng, "bản thân người dân bình thường có thể nói không hiểu, không biết luật, còn bản thân là cán bộ của Viện Kiểm soát, từng nắm quyền công tố, rất hiểu biết về luật pháp mà lại đi phải phạm luật thì phải phải xử để làm gương, xử để răn đe, phòng ngừa, cảnh tỉnh"