Giai đoạn "rất nguy hiểm"
Phát biểu với các phóng viên hôm 2/7, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết, biến chủng Delta tiếp tục thích nghi và lây lan ra gần 100 quốc gia trên thế giới.
"Biến chủng Delta đã lan ra ít nhất 98 quốc gia và lan nhanh ở những nước có tỷ lệ tiêm chủng thấp", ông Tedros nói.
Theo số liệu của WHO, số ca Covid-19 ở châu Phi cứ 3 tuần lại tăng gấp đôi, trong đó Nam Phi ghi nhận hơn 20.000 ca mắc mới trong ngày 2/7.
Giới chức y tế Italia cũng cảnh báo, số ca nhiễm biến chủng Delta ở nước này bắt đầu tăng kể từ tháng 5. Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh châu Âu (ECDC) ước tính, số ca nhiễm biến chủng Delta ở các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) có thể chiếm 70% số ca nhiễm mới đến đầu tháng 8, và lên 90% vào cuối tháng 8.
Tại Mỹ, ít nhất 20% số ca mắc mới nhiễm biến chủng Delta. Chính quyền Tổng thống Joe Biden chuẩn bị triển khai các nhóm ứng phó Covid-19 tới các khu vực mà biến chủng Delta đang lây lan mạnh và tỷ lệ tiêm chủng thấp. Các nhóm này sẽ làm việc với chính quyền địa phương để mở rộng xét nghiệm, truy vết, đồng thời cung cấp cung cấp phương pháp điều trị cho những người nhiễm bệnh và đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng.
Tại châu Á, dịch Covid-19 đang bùng phát mạnh trở lại và cũng được cho là do sự xuất hiện của biến chủng Delta. Các bệnh viện lớn ở Indonesia đều rơi vào tình trạng quá tải vì số ca nhiễm mới liên tiếp lập kỷ lục trên 20.000 ca/ngày. Giới chuyên gia lo ngại, Indonesia có thể trở thành "Ấn Độ thứ hai" nếu không có các biện pháp ứng phó kịp thời và hiệu quả.
Các nước trong khu vực như Thái Lan, Campuchia cũng đang "căng mình" đối phó làn sóng bùng phát mới. Theo hãng tin Nikkei Asia, các bệnh viện lớn ở Bangkok đều quá tải, hết giường điều trị. Giới chức địa phương đang phải tính đến việc cách ly những ca nhiễm không có triệu chứng tự điều trị tại nhà.
Tại Campuchia, giới chức y tế cảnh báo nước này đang ở "lằn ranh đỏ" sau đợt bùng phát mới. "Chúng tôi không muốn Covid-19 lây lan vượt ra khỏi "lằn ranh đỏ" vì khi đó, tình thế sẽ nguy hiểm. Nó sẽ dẫn đến sự lây lan quy mô lớn trong toàn bộ cộng đồng", người phát ngôn Bộ Y tế Campuchia Or Vandine thừa nhận hồi đầu tuần.
Cần 11 tỷ liều vắc xin
"Tôi hối thúc lãnh đạo thế giới phối hợp với nhau để đảm bảo bằng giờ năm sau, 70% dân số các nước đều được tiêm vắc xin. Đây là cách tốt nhất để ngăn đà lây lan của dịch, cứu sống con người, thúc đẩy đà phục hồi nền kinh tế, ngăn chặn các biến chủng mới nguy hiểm xuất hiện", ông Tedros nói.
Người đứng đầu WHO cho biết, đến nay, khoảng 3 tỷ liều vắc xin ngừa Covid-19 đã được phân phối khắp thế giới. Tuy nhiên, theo ước tính của WHO, thế giới cần ít nhất 11 tỷ liều vắc xin để đạt được miễn dịch cộng đồng.
Do vậy, ông Tedros kêu gọi các nước tiếp tục chia sẻ vắc xin để cùng đẩy lùi đại dịch. Ông nhấn mạnh: "Từ giờ đến cuối tháng 9, tôi kêu gọi lãnh đạo các nước tiêm chủng cho ít nhất 10% dân số của mình. Điều đó sẽ giúp bảo vệ đội ngũ y tế và những nhóm có nguy cơ cao nhất".
Các nhà khoa học tin rằng, chủng Delta phát hiện lần đầu tại Ấn Độ có khả năng lây lan cao hơn 40% đến 60% so với các chủng khác của virus SARS-CoV-2. Virus liên tục đột biến, hầu hết các thay đổi đó không đáng lo ngại. Tuy nhiên, giới chuyên gia lo ngại rằng, một số biến chủng có thể trở nên dễ lây lan hơn hoặc thậm chí có độc lực cao hơn, dễ né kháng thể hơn do đó làm giảm hiệu quả của vắc xin.
Những nghiên cứu gần đây cho thấy, các vắc xin hiện thời trên thế giới vẫn có hiệu quả với các biến chủng của SARS-CoV-2, trong đó có cả Delta. Các nhà nghiên cứu ở Anh đã cho thấy, hiệu quả phòng ngừa sẽ cao hơn với người đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin, ngược lại, sẽ ít hiệu quả hơn với người mới tiêm một mũi.
Theo Fox