WB: Kinh tế Việt Nam tăng trưởng 5,3% năm 2022

Theo công bố ngày 5/4 của Ngân hàng thế giới (WB), dự báo tăng trưởng của Việt Nam năm 2022 là 5,3%, thấp hơn nhiều so với mức 6,5% được đưa ra vào tháng 10/2021

Sáng 5/4, Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức họp báo trực tuyến ra mắt Báo cáo cập nhật tình hình kinh tế Đông Á và Thái Bình Dương kỳ tháng 4/2022 với chủ đề "Đương đầu bão tố".

Riêng đối với Việt Nam, Chuyên gia kinh tế trưởng phụ trách khu vực Đông Á và Thái Bình Dương của WB, ông Aaditya Mattoo nhận định, Việt Nam là một trong những nền kinh tế mà WB đã phải điều chỉnh giảm mạnh các chỉ tiêu dự báo về tăng trưởng.

Theo đó, mặc dù tháng 10/2021 WB dự báo Việt Nam sẽ tăng trưởng trong năm 2022 là 6,5%, nhưng đến nay WB dự báo chỉ còn 5,3%. Tuy nhiên, đó chỉ là kịch bản cơ bản, xấu hơn nữa kịch bản dự báo có thể chỉ còn 4,4%.

ttxvn_1904_thuy_san.jpg

Mức dự báo 5,3% của WB dựa vào chính sách sống chung với Covid-19, kết quả của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và nhu cầu trong nước. Ảnh: TTXVN

Lý do WB đưa ra khi liên tục giảm dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam là vì những khó khăn mà Việt Nam gặp phải khi đối phó với biến chủng Omicron, dẫn tới số lượng các ca nhiễm mới tăng rất cao. Thêm nữa, Việt Nam cũng chịu tác động lớn bởi việc nhập khẩu dầu với giá trị lên tới 3% GDP.

Dù vậy, WB cho biết, những triển vọng trên vẫn phải đối mặt với những rủi ro tiêu cực đang gia tăng. Bởi các đối tác thương mại chính của Việt Nam đang tăng trưởng chậm lại cùng với cú sốc tỷ giá thương mại, các biện pháp trừng phạt liên quan đến xung đột Nga – Ukraine. Các yếu tố này có thể bị trầm trọng hơn nếu phát sinh biến chủng Covid-19 mới.

Ở kịch bản xấu nhất nếu có thêm các cú sốc khác, WB đánh giá tăng trưởng GDP chỉ đạt 4% trong năm 2022, phục hồi lại 6% và 6,5% lần lượt vào các năm 2023 và 2024. Tỷ lệ nghèo được kỳ vọng giảm trong năm nay, với giả định tăng trưởng GDP phục hồi về mức trước đại dịch, nhưng tác động của khủng hoảng sẽ để lại ảnh hưởng lâu dài làm tăng bất bình đẳng.

WB cũng đưa ra dự báo, tăng trưởng kinh tế khu vực Đông Á-Thái Bình Dương có thể chỉ đạt 5% trong năm 2022, tức là giảm 0,4% so với dự báo hồi tháng 10/2021.

Nếu tình hình toàn cầu xấu đi và các quốc gia có các chính sách ứng phó yếu, tăng trưởng có thể giảm thấp hơn, xuống chỉ còn 4%. Trung Quốc được dự báo tăng trưởng 5% theo kịch bản cơ sở và 4% theo kịch bản xấu.

Các quốc gia còn lại trong khu vực được dự báo tăng trưởng 4,8% theo kịch bản cơ sở và 4,2% theo kịch bản xấu. Quan trọng hơn, theo kịch bản xấu mà WB dự đoán, có thể sẽ có thêm 6 triệu người trong khu vực tiếp tục bị kẹt dưới ngưỡng nghèo ở mức 5,5 USD/ngày trong năm 2022.

Theo Đời sống
back to top