Vui vẻ quá mức, hát hò liên tục... dấu hiệu bệnh rối loạn hưng cảm

Với những người mắc rối loạn hưng cảm, nếu không được thăm khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời sẽ ảnh hưởng đến chính bản thân họ như công việc, sức khỏe và gia tăng gánh nặng kinh tế cho gia đình...

Hưng cảm là một dạng rối loạn tâm lý đặc trưng với trạng thái hứng khởi, phấn khích cao độ, dễ bị kích thích, cáu kỉnh, nóng giận... và cảm thấy bản thân tràn đầy năng lượng.

Chứng hưng cảm có thể xuất hiện ở mức độ nhẹ cho tới nặng hơn là phát triển các triệu chứng của rối loạn tâm thần như ảo giác, hoang tưởng, đa nghi, gây hấn, bạo lực… cần điều trị kịp thời. Hưng cảm có loạn thần là mức độ nặng nhất của bệnh hưng cảm.

Vui vẻ quá mức, hát hò liên tục... dấu hiệu bệnh rối loạn hưng cảm. Ảnh minh họa

Vui vẻ quá mức, hát hò liên tục... dấu hiệu bệnh rối loạn hưng cảm. Ảnh minh họa

Dấu hiệu nhận biết người bị rối loạn hưng cảm

Theo BS.CKII Nguyễn Thị Ái Vân - Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia, Bệnh viện Bạch Mai chỉ ra những dấu hiệu nhận biết người bị rối loạn hưng cảm như sau:

Vui vẻ quá mức: Biểu hiện thái độ vui vẻ quá mức với bất kỳ sự vật, hiện tượng nào xảy ra xung quanh. Họ thể hiện nét mặt vui sướng, thái độ hân hoan. Bệnh nhân thường ca hát, đọc thơ, diễn kịch một cách say sưa. Do ca hát liên tục, họ gây ồn ào và phiền toái cho những người xung quanh, đặc biệt vào giờ làm việc hoặc giờ ngủ.

Tuy nhiên, nếu bị phản đối họ có thể chuyển thái độ nhanh chóng từ vui vẻ quá mức sang nổi cáu và gây sự với những người phản đối

Giảm nhu cầu ngủ: Biểu hiện thức dậy sớm hơn bình thường vài giờ nhưng không thấy mệt mỏi, trái lại họ tự cảm thấy tràn trề sức sống. Khi rối loạn giấc ngủ quá nặng, bệnh nhân có thể thức vài ngày không cần ngủ mà không thấy mệt mỏi.

Nói nhiều, nói nhanh: Bệnh nhân thường có áp lực phải nói, nói to, nói nhanh và khi đã nói thì khó làm họ ngừng lại. Họ nói về mọi chủ đề, từ chủ đề này sang ngay chủ đề khác.

Tư duy phi tán: Ý nghĩ của bệnh nhân có thể tăng nhanh về tốc độ nhưng các ý nghĩ này vẫn có mối liên kết với nhau. Khi bùng nổ ý nghĩ của bệnh nhân quá nặng nề, ngôn ngữ của họ trở thành hỗn loạn và mất phù hợp.

Phân tán chú ý: Biểu hiện rõ ràng là mất khả năng tập trung chú ý. Họ không tập trung vào một công việc nhất định nếu có các kích thích từ bên ngoài.

Tự cao: Bệnh nhân đề cao mình quá mức bình thường, nếu nhẹ thì bệnh nhân giảm sự tự phê bình, nặng hơn thì bệnh nhân tự đề cao mình rõ ràng và có thể đạt đến mức độ hoang tưởng.

"Với những người mắc rối loạn hưng cảm, nếu không được thăm khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời sẽ ảnh hưởng đến chính bản thân họ như công việc, sức khỏe và gia tăng gánh nặng kinh tế cho gia đình. Do vậy, khi phát hiện người thân có dấu hiệu trên hãy đưa đến bệnh viện có chuyên khoa tâm thần gần nhất để được thăm khám và điều trị", bác sĩ Vân nhấn mạnh.

Với những người mắc rối loạn hưng cảm, nếu không được thăm khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời sẽ ảnh hưởng đến chính bản thân họ như công việc, sức khỏe, gia đình - Ảnh minh hoạ

Với những người mắc rối loạn hưng cảm, nếu không được thăm khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời sẽ ảnh hưởng đến chính bản thân họ như công việc, sức khỏe, gia đình - Ảnh minh hoạ

Nguyên nhân sinh bệnh

Bác sĩ Nguyễn Thị Ái Vân cho biết, người mắc rối loạn hưng cảm giai đoạn lưỡng cực có thể do gen di truyền.

Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng, khi người thân bậc một của bệnh nhân rối loạn cảm xúc lưỡng cực có nguy cơ mắc bệnh cao hơn 10 lần so với dân số chung. Hay nghiên cứu sinh đôi chỉ ra rằng tỉ lệ giữa các cặp song sinh cùng trứng khoảng 60-80%, trong khi chỉ khoảng 20% ở song sinh khác trứng. Ngoài ra, còn có nguyên nhân do sinh học hoặc biến đổi hình ảnh học của não bộ cũng gây nên rối loạn này.

Theo bác sĩ Vân, ngoài các nguyên nhân trên, các yếu tố cũng ảnh hưởng và tăng nguy cơ mắc rối loạn hưng cảm, cụ thể:

- Căng thẳng trong cuộc sống được cho là yếu tố kích hoạt giai đoạn hưng cảm hoặc trầm cảm ở người có nguy cơ cao: Các sự kiện gây căng thẳng như mất người thân, ly hôn, hoặc mất việc có thể làm gia tăng khả năng khởi phát triệu chứng bệnh.

- Rối loạn trong nhịp sinh học cũng là yếu tố tâm lý xã hội có liên quan. Các thay đổi trong nhịp sinh học, chẳng hạn như thiếu ngủ hoặc làm việc theo ca, có thể dẫn đến mất cân bằng hóa học trong não, làm tăng nguy cơ các giai đoạn hưng cảm hoặc trầm cảm.

- Quan hệ xã hội và hỗ trợ xã hội đóng vai trò quan trọng trong việc quản lý bệnh. Thiếu sự hỗ trợ từ gia đình và bạn bè có thể làm tăng nguy cơ tái phát các giai đoạn bệnh, trong khi môi trường xã hội tích cực có thể giúp giảm tần suất và cường độ các giai đoạn này.

Biện pháp phòng ngừa bệnh rối loạn hưng cảm

Hưng cảm có thể phòng ngừa bằng cách loại bỏ và tránh các yếu tố kích thích khởi phát triệu chứng bệnh. Một số biện pháp thay đổi lối sống có thể áp dụng giúp phòng bệnh:

Có chế độ ăn uống cân bằng, giàu dinh dưỡng, bổ sung vitamin, khoáng chất và năng lượng để đảm bảo sức khỏe.

Tập thể dục thể thao, tăng cường vận động hằng ngày giúp giải tỏa căng thẳng và năng lượng.

Thư giãn, giao lưu, kết bạn và chia sẻ về đời sống, công việc hằng ngày.

Nghỉ ngơi sau những giờ làm việc căng thẳng, đi du lịch, thăm bạn bè để thư giãn.

Ngủ đủ giấc, tránh thức khuya để giữ đầu óc tỉnh táo, thư thái vào mỗi buổi sáng.

Hạn chế chất kích thích, rượu, cafe để tránh trạng thái hưng phấn quá mức.

Tập thói quen ghi nhật ký hằng ngày để theo dõi các trạng thái kích thích và biểu hiện của hưng cảm.

Theo VietnamDaily
back to top