Tác phong nhanh nhẹn, hoạt bát đã giúp cụ dễ hòa đồng và trở nên thân thiện với mọi người. Cụ là Phạm Văn Thủy 82 tuổi ở xóm 1, thôn Thiết Trụ, Bình Minh, Khoái Châu, Hưng Yên.
Người truyền “niềm vui”
Đầu năm 1959, từ phong trào thanh niên “lên miền Tây” chàng trai miền đồng bằng sông Hồng được biên chế vào làm việc ở một trạm mua bán lâm thổ sản huyện Bắc Yên thuộc Sở Thương nghiệp tỉnh Sơn La.
Cụ Thủy nhớ lại: “Lần đầu được đi xa nên người nào cũng hào hứng. Đoàn gồm 8 thanh niên 6 nam 2 nữ về ở 4 gian nhà thưng nứa, lợp cỏ tranh trong khu tập thể cơ quan. Hàng ngày, trạm cử người thường trực, còn lại chia nhóm đến các xã giới thiệu chủ trương mua hoặc đổi lâm thổ sản lấy gạo, muối, dầu hỏa…và vận động nhân dân đăng ký bán cho Nhà nước.
Đường từ huyện đến xã đi bộ mất 1-2 ngày nên sau thời gian ngắn, một vài anh em chán nản bàn lùi”. Cụ đưa họ lên xã Tà Xùa nơi có rừng chè cổ thụ và những cánh rừng táo mèo thấp thoáng trong mây, đến xã Hồng Ngài tìm hiểu thêm những câu chuyện về vợ chồng A Phủ…Mỗi chuyến đi về của cụ lại có thêm những hiểu biết lý thú về vùng đất miền Tây xa xôi như chuyện trồng rừng ở xã Tạ Khoa bên dòng sông Đà hay chuyện xã Hua Nhàn trồng ngô trên những cánh đồi lưng chừng trời…truyền niềm vui cho mọi người trong công việc, bớt đi nỗi nhớ nhà.
Năm 1965, cụ nhập ngũ vào binh chủng pháo phòng không. Năm 1978, cụ được xuất ngũ về cơ quan cũ. Cụ chia sẻ: “Làm việc gì cũng phải tìm được niềm vui. Có niềm vui thì sẽ mê say gắn bó và chắc chắn sẽ đạt được kết quả như mong muốn”.
Cụ Phạm Văn Thủy (trái) phát biểu trong lễ cưới cháu trai.
Cụ đại diện “mát tay, lành vía”
Cụ bộc bạch: “Vợ chồng tôi có 4 con 2 trai 2 gái. Đến nay có 11 cháu, 5 chắt nhưng chúng tôi vẫn sống riêng với nhau trong căn nhà gác 3 tầng và tự chăm sóc cho nhau. Đấy là bình thường, còn lỡ trái gió trở trời thì con cháu có mặt ngay tắp lự bởi chúng đều quanh quẩn trong xóm thôn này cả”.
Về chuyện làm “đại diện”, cụ kể, khi cậu trưởng cưới vợ, mọi thứ đã đầy đủ nhưng việc tìm người đại diện là bí vì các bậc cha chú đều ngại. Tôi xin phép làm và mọi việc suôn sẻ từ lễ dạm ngõ, ăn hỏi, đón dâu đến lễ thành hôn mừng hạnh phúc trăm năm cho đôi trẻ. Được con cháu cổ vũ, tôi tiếp tục làm đại diện lễ cưới hỏi cho 3 con rồi lần lượt đến các cháu nội, ngoại.
Có niềm vui trong “công việc” nên tôi tìm hiểu thêm các nghi lễ, tập quán từng địa phương trong và ngoài tỉnh nơi thông gia với mình, với các con cháu mình để đáp lễ, dặn dò dâu rể những nội dung phù hợp. Từ đấy, các cháu hai họ nội ngoại khi tổ chức cưới hỏi đều yên tâm bởi đã có ông trẻ làm đại diện. Những đám cưới hỏi do cụ làm đại diện đến nay đều có cuộc sống hạnh phúc, con cháu đề huề, làm ăn phát đạt và đó là điều làm cho cụ luôn tìm được niềm vui cùng con cháu.
Cụ tâm sự: “Việc nhà tuy đã chiếm nhiều thời gian từ chăm sóc vườn rau, tưới bón cho hơn chục gốc nhãn đến lau dọn 3 tầng nhà… nhưng tôi vẫn hoàn thành tốt nhiệm vụ tổ trưởng người cao tuổi, tham gia phong trào thể dục dưỡng sinh… để luôn vận động, chống bệnh ỳ”.
Cẩm Yên (Hà Nội)