Dấu hiệu của thận đa nang
Nang thận có 2 loại: Nang đơn độc và nhiều nang (còn gọi thận đa nang). Nang thận là một túi nước lành tính trong thận. Với các nang nhỏ hơn 6cm chỉ cần theo dõi, làm siêu âm và xét nghiệm chức năng thận, kiểm tra 6 tháng/ lần. Còn với nang thận lớn hơn 6cm kèm theo triệu chứng đau thắt lưng thì mới cần can thiệp. Ngày nay, với sự phát triển của y học hiện đại, bệnh nhân bị nang thận không cần phải mổ, chỉ cần chọc hút nang qua siêu âm hoặc đánh xẹp bảo tồn và theo dõi điều trị tiếp. Cũng có thể chọc hút nang thận và bơm chất làm xơ hóa dưới hướng dẫn của siêu âm. Phương pháp này thực hiện đơn giản, nhanh, chính xác nhưng có nhược điểm là tái phát cao, trên 70% sau 3 tháng. Phẫu thuật nội soi cắt chóp nang có thể được thực hiện với ưu điểm, số ngày nằm viện ngắn, vết mổ nhỏ, ít đau, người bệnh hồi phục sức khỏe nhanh.
Khi bị nang thận, dù chưa điều trị hay đã chọc hút rồi thì chức năng thận sẽ kém đi. Để phát hiện thận đa nang, người bệnh cần căn cứ vào một số dấu hiệu như tăng huyết áp, đau vùng hố thắt lưng với các tính chất như đau âm ỉ hoặc đau quặn dữ dội một hoặc hai bên, đau đầu mệt mỏi, tiểu nhiều hoặc tiểu ra máu, có thể kèm sỏi thận và nhiễm khuẩn tiết niệu. Các triệu chứng muộn của thận đa nang như huyết áp tăng cao, có thể gây xuất huyết não, phình động mạch chủ, nhồi máu cơ tim, tổn thương đáy mắt và tổn thương thận tạo vòng xoắn bệnh lý. Một số người mắc suy thận, đặc biệt ở người cao tuổi. Sau khi điều trị ổn định nang thận, nên nâng cao chức năng thận dựa vào Đông y.
Những cây thuốc tốt cho thận
Diếp cá có tác dụng chữa được một số bệnh như bệnh trĩ, viêm họng, mụn nhọt, táo bón, đặc biệt là bệnh thận hư yếu. Người thận yếu dùng 150g lá diếp cá khô sắc với 1 lít nước, đun liu riu trong 30 phút chắt lấy nước uống thay trà hàng ngày.
Có thể lấy rễ cây cau phơi khô, sao vàng, đổ rượu vào ngâm 2 tháng lấy ra sử dụng. Mỗi ngày uống 1-2 chén nhỏ trong hoặc sau bữa ăn.
Để bồi bổ thận kết hợp mát gan, lấy diệp hạ châu (cây chó đẻ răng cưa) sắc uống. Diệp hạ châu có tính hàn và vị hơi đắng, được quy vào kinh can, phế với nhiều công dụng điều trị bệnh, trong có có tác dụng bổ thận mát gan. Lá diệp hạ châu có chứa hàm lượng lớn các hoạt chất đắng như hypophyllanthin và phyllathin. Còn trong thân cây lại chứa nhiều thành phần khác như nirtetralin, flavonoid, phylteralin, niruroidin, isobubialin, geraniinic, axit ascorbic, repandusinic A và axit amariinic, được dùng để chữa chứng nóng gan, đồng thời giúp lợi tiểu, tăng cường chức năng thận cũng như giúp hệ tiêu hóa hoạt động tốt hơn. Các thành phần trong dược liệu còn giúp ngăn ngừa sự phát triển của virus gây viêm gan, hỗ trợ tăng cường đề kháng cho cơ thể.
Khi uống thuốc, người bệnh nên kết hợp chế độ dinh dưỡng tốt cho thận. Nên sử dụng thực phẩm ít đạm, sử dụng đa dạng các thực phẩm như miến, gạo, khoai lang, bún, phở. Nên ăn các thực phẩm giàu chất đạm sinh học cao, sử dụng các loại dầu thực vật như dầu mè, đậu nành, oliu. Người thận yếu nên ăn đa dạng các loại rau và trái cây. Bệnh nhân kèm đái tháo đường nên chọn các loại trái cây có chỉ số đường thấp. Nên ăn các thực phẩm ít muối. Hạn chế ăn các thực phẩm chứa chất béo có hại, giàu cholesterol, các chất béo bão hòa như bơ, gan, tim. Những thực phẩm chứa nhiều photpho cũng nên hạn chế như lòng đỏ trứng, thịt bò, đậu nành. Nên hạn chế ăn các loại thực phẩm như cá khô, bánh mì, khoai tây chiên vì chúng chứa nhiều muối natri. Nên uống lượng nước vừa đủ theo lời khuyên của bác sĩ.
BS Nguyễn Nam (Phòng khám Hồng Sơn Đường)