Nhiều tri thức khoa học và thành tựu về kỹ thuật của nước ngoài đã được Gia Long, Minh Mạng cho du nhập và áp dụng vào nước ta, góp phần kiến lập một quốc gia vững mạnh giai đoạn đầu triều Nguyễn…
Vua Gia Long (trái) và Minh Mạng. |
Vua Gia Long ứng dụng kỹ thuật đóng tàu, phát triển thiên văn
Có dịp tiếp xúc người Pháp và khoa học kỹ thuật nước này, Vua Gia Long (trị vì 1802-1820) đã chủ động tiếp thu tri thức cùng ứng dụng một số thành tựu của phương Tây. Ông đặc biệt chú trọng ứng dụng lĩnh vực quân sự - quốc phòng, từ xây dựng thành lũy, chế tạo vũ khí, đóng thuyền đến tổ chức và huấn luyện quân đội.
Hệ thống thành lũy xây dựng theo kiến trúc Vauban - kiểu thành luỹ quân sự thiên về phòng ngự vốn thịnh hành ở Pháp và Tây Âu thế kỷ XVII - XVIII. Từ khi chưa lập ra triều Nguyễn, Gia Long đã cho xây dựng thành Sài Gòn (năm 1790) và thành Diên Khánh (năm 1793) theo kiểu Vauban. Khi dựng triều Nguyễn, Gia Long áp dụng kiến trúc Vauban kết hợp nghệ thuật kiến trúc, quy hoạch truyền thống của phương Đông để xây dựng kinh thành Huế, thành Hà Nội, thành Bắc Ninh và một số thành luỹ khác.
Một loại chiến thuyền thời Nguyễn. Hình minh họa: quansuvn. |
Dưới thời Gia Long, kỹ nghệ đóng tàu thuyền theo kiểu phương Tây của Việt Nam có nhiều tiến bộ. Năm 1819, khi đi thăm các công xưởng đóng tàu ở Sài Gòn, một người nước ngoài là John White viết trong hồi ký: “Về phía Đông Bắc Sài Gòn, bên bờ con sông sâu là công xưởng đóng tàu và khi vũ khí hải quân... Riêng cơ xưởng này đáng làm cho người An Nam tự hào hơn bất cứ cái gì khác trong nước. Nó có thể cạnh tranh với những xưởng tốt nhất ở Châu Âu. Gỗ đóng tàu và vỏ tàu là những thứ chất lượng mà tôi chưa từng thấy”.
Trong năm 1819, từ những xưởng đóng tàu ở Gia Định, nhà Nguyễn có thêm 200 thuyền đóng mới. Mỗi chiếc thuyền buồm có mái chèo được thiết kế theo phong cách châu Âu. Thân thuyền hoàn toàn giống thuyền châu Âu nhưng mái chèo là sự kết hợp giữa phong cách châu Âu và Việt Nam.
Về phương diện thiên văn và lịch pháp, Gia Long rất cầu thị trong việc thay đổi cách tính lịch cho phù hợp thực tế. Năm 1810, từ lời đề nghị của Nguyễn Hữu Thận, ông cho thay đổi phép tính lịch theo sách Đại Thanh lịch tượng khảo thành thư của nhà Thanh (Trung Quốc) - phép lịch trong sách này hình thành từ việc nhà Thanh học hỏi phương pháp tính lịch của phương Tây.
Trước thời điểm này, nước ta đã làm ra lịch Vạn Toàn dựa vào quyển Đại thống lịch pháp của nhà Minh (Trung Quốc). Nhà Thanh ban đầu cũng soạn lịch dựa theo Đại thống lịch pháp. Nhưng cả lịch Vạn Toàn lẫn lịch nhà Thanh soạn theo Đại thống lịch pháp đều có những điểm chưa chuẩn xác với thực tế, “để càng lâu càng sai”. Đến thời Hoàng đế Khang Hy (thế kỷ XVII), nhà Thanh áp dụng cách tính lịch của phương Tây để soạn Đại Thanh lịch tượng khảo thành thư với các ưu điểm như “phép đo lường suy tính rất rõ ràng, so với sách Đại thống càng kỹ lưỡng hơn…”.
Nguyễn Hữu Thận đi sứ nhà Thanh, có dịp tìm hiểu bộ lịch mới này, đã tâu xin Gia Long cho sửa đổi lịch trong nước và được chấp thuận. Về sau, Vua Gia Long còn giao cho Nguyễn Hữu Thận quản lý Khâm Thiên Giám là cơ quan chuyên trách về thiên văn, lịch pháp của nước nhà.
Vua Minh Mạng và dấu ấn tàu thủy hơi nước đầu tiên
Nối ngôi Gia Long, Vua Minh Mạng (trị vì 1820 - 1841) quyết tâm xây dựng nước nhà hùng cường trên mọi lĩnh vực. Ông cũng rất lưu tâm học hỏi, áp dụng tri thức và thành tựu khoa học kỹ thuật từ bên ngoài để phát triển đất nước.
Sau Gia Long, Minh Mạng là vị vua nỗ lực nhiều nhất trong việc chế tạo các loại vũ khí, tàu thuyền theo kỹ thuật phương Tây và xây dựng quân đội có mô phỏng nhiều nội dung từ phương Tây.
Ông chú trọng tăng cường trang thiết bị cho quân đội bằng việc bổ sung nhiều loại vũ khí mua từ phương Tây như đại bác, súng trường, thuyền máy, thuốc nổ. Không chỉ xuất tiền để mua, Vua Minh Mạng còn cử người đi học kỹ thuật sản xuất vũ khí của phương Tây, chỉ đạo cho các cơ sở quân giới mô phỏng theo kỹ thuật và mẫu của phương Tây để chế tạo các loại đại bác lớn, súng tay, kính viễn vọng, thuyền đồng… Năm 1823, súng tay theo kiểu phương Tây lần đầu tiên được chế tạo tại nước ta. Minh Mạng còn cho mua thiết bị phương Tây về lắp ráp với thân súng tự chế trong nước. Kỹ thuật pha chế thuốc súng học hỏi từ phương Tây đã có từ thời Gia Long, đến thời Minh Mạng đã tiến triển hơn.
Năm 1822, một chiếc tàu bọc đồng loại ba cột của Pháp bị hư hỏng nặng buộc phải vào neo đậu ở vịnh Đà Nẵng. Minh Mạng cho mua lại chiếc tàu này rồi dỡ ra, bất cứ miếng nào của con tàu cũng phải được xếp theo thứ tự và đánh số, sau đó chở về Huế lắp ráp lại (được đặt tên mới là Điện Dương) để làm mẫu nghiên cứu, học tập, cải tiến kỹ thuật đóng thuyền.
Tàu chiến Pháp ở bán đảo Sơn Trà |
Năm 1838, nhận thấy sự kỳ diệu của tàu máy hơi nước, Minh Mạng cho mua tàu máy hơi nước cũ và lệnh: “Vũ khố nghiên cứu theo đúng cách thức thuyền máy mua của Tây dương trước đây để tâu lên xin làm” (Đại Nam thực lục). Sau khi thất bại trong lần thí nghiệm đầu tiên, tháng 4/1839, hai đốc công Hoàng Văn Lịch, Vũ Huy Trịnh cùng các thợ đã đóng thành công chiếc tàu máy hơi nước đầu tiên.
Năm sau, Minh Mạng lại chỉ đạo cho họ đóng một chiếc kiểu mới tân tiến hơn và sửa chữa cái bị hỏng. Một lần đến cầu Bến Ngự xem thí nghiệm chạy tàu hơi nước, ông nói với các quan rằng: “Tàu này mua bên Tây cũng được, nhưng muốn khiến cho công tượng nước ta tập quen máy móc cho khéo, vậy nên chẳng kể lao phí gì” (Quốc triều chính biên toát yếu).
Bên cạnh đó, dưới triều đại của ông, hàng loạt thành luỹ trên cả nước được xây dựng theo kiểu Vauban như thành Gia Định, Sơn Tây, Hải Dương, Nam Định, Nghệ An…
Một góc thành Sơn Tây, xây dựng năm 1822 dưới thời Minh Mạng (Ảnh tư liệu). |
Nhiều máy móc mang tính mới mẻ được chế tạo như máy cưa chạy bằng sức trâu và sức nước, máy xẻ gỗ chạy bằng sức trâu. Năm 1834, máy nghiền thuốc súng bằng sức nước mang tên Thuỷ hoả ký tế lần đầu được chế tạo.
Từ năm 1837-1838, theo mẫu của phương Tây, thợ thủ công nhà nước chế tạo được máy cưa ván gỗ, xẻ gỗ bằng sức nước, xe Thuỷ sương... Xe Thuỷ sương (xe chở nước) có vòi phun nước chữa cháy hoặc tưới đồng ruộng. Sử nhà Nguyễn là Đại Nam thực lục ghi lại, năm 1826, “Ty Vũ khố được lệnh đóng xe Thuỷ sương bắt chước theo xe của người Tây dương”.
Cũng dưới thời Minh Mạng, kỹ nghệ làm đồ “pháp lam” theo kiểu phương Tây đã du nhập vào nước ta. Thuật ngữ “Pháp lam” do người Trung Quốc gọi, xuất phát từ chữ “Phalang” (gốc từ chữ France), dùng để chỉ kỹ thuật làm đồ kim loại tráng men.
Kỹ thuật này được các giáo sĩ phương Tây truyền cho người Trung Quốc, rồi được du nhập đến nước ta. Sử sách còn cho biết, năm 1827, vua Minh Mạng đã lập ra Cục thợ Pháp lam gồm 15 người để chuyên chế tác các đồ dùng bằng đồng tráng men.
Bộ đồ uống trà thời Vua Minh Mạng. Nguồn: Bảo tàng Lịch sử Quốc gia. |
Ngoài ra, cơ quan Khâm Thiên Giám tiếp tục ứng dụng một số tri thức thiên văn học từ phương Tây để quan sát thiên văn, dự báo thời tiết… Nguyễn Hữu Thận vẫn là hạt nhân của cơ quan này.
Một nhân vật khác là Linh đài lang Nguyễn Huy Hổ cũng rất giỏi chiêm nghiệm thiên văn, khí tượng để đáp ứng nhu cầu của đời sống: “Giữ việc liệu đoán khí hậu, suy tính độ Mặt Trời, Mặt Trăng, ngôi sao. Nghiệm tượng trời để bảo dân làm ăn” (Đại Nam liệt truyện, tập 2). Nhiều thiết bị thiên văn nguồn gốc phương Tây đã được sử dụng như kính hiển vi, địa bàn của Tây dương, Phong vũ hàn thử biểu của Tây dương, bộ đo bóng Mặt Trời…
Những dấu ấn và thành quả của hoàng đế Gia Long, Minh Mạng trong tiếp thu, ứng dụng khoa học kỹ thuật ngoại quốc như “làn gió mới” đối với sự tiến triển của lịch sử triều Nguyễn, góp phần tạo ra hiệu quả thực tế trong việc nâng cao sức mạnh quốc gia, tạo lập giai đoạn hưng thịnh của triều Nguyễn ở 4 thập niên đầu của thế kỉ XIX.