Ngày 16/10/2020, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Việt Nam Suzuki - ông Takahara có văn bản giải trình với Cục Đăng kiểm Việt Nam về tình trạng thiếu phụ tùng thay thế và hiện tượng bất thường trên xe ô tô Suzuki Ertiga.
Lý giải các triệu chứng khiến lái xe cảm thấy "hụt hơi" khi xe số tự động bị gằn khi tăng tốc, ông Takahara cho rằng xe số tự động Ertiga sử dụng loại biến mô tổng hợp 4 cấp.
"Khi người lái đạp ga mạnh thì xe cần mô men xoắn của động cơ để tăng tốc. Số tự động làm giảm sự chuyển số, trong khi bộ biến mô làm tăng độ trượt của đầu vào động cơ và tăng mô men xoắn bằng cách tăng tốc độ động cơ. Bộ biến mô sau đó giảm dần độ trượt của đầu vào động cơ, tăng tốc độ của xe. Khi tốc độ động cơ cao, trạng thái trước khi tăng tốc có cảm giác như đang "hụt", và do tốc độ động cơ cao nên âm thanh trở nên to hơn. Tuy nhiên khi tốc độ động cơ giảm dần, âm thanh trở nên êm hơn. Thêm nữa, âm thanh được thay đổi lúc khóa (ly hợp)", văn bản của hãng giải thích.
Theo Suzuki Việt Nam, khóa là sự kết nối trực tiếp giữa động cơ và hộp số trong những điều kiện nhất định khi hộp số tự động ở số 4. Tác dụng của việc khóa là (1) cải thiện hiệu suất nhiên liệu và (2) ngay lập tức theo dõi tốc độ khi mở chân ga. Bằng cách khóa lại, tốc độ động cơ sẽ giảm ngay cả khi tốc độ của xe là như nhau.
Hãng này lý giải âm thanh từ bộ truyền động sẽ thay đổi một chút trước và sau khi khóa, một cơ cấu có tên gọi Lock up sẽ tự động khóa, kèm theo một số điều kiện như mở chân ga, nước làm mát động cơ và nhiệt độ ATF. Nếu điều kiện này không được đáp ứng, động cơ sẽ không khóa, tốc độ động cơ cao hơn và âm thanh động cơ sẽ lớn hơn.
Tóm lại, quan điểm của hãng Suzuki trong bản giải trình với Cục Đăng kiểm là không thừa nhận có bất cứ lỗi nào với hộp số AT của xe Ertiga, tương tự nội dung mà hãng xe trả lời phỏng vấn Báo Giao thông.
Về vấn đề thiếu linh kiện phụ tùng, một mặt hãng xe này thừa nhận có sự chậm trễ do nhà máy ở Indonesia ngừng sản xuất, mặt khác có sự hiểu sai về phạm vi sửa chữa ô tô khiến việc sửa chữa chiếc xe bị nạn ở Cà Mau kéo dài 9 tháng.
"Chúng tôi đã yêu cầu công ty bảo hiểm duyệt chi phí thay thế và sửa chữa các bộ phận không hoạt động tại thời điểm đó và các bộ phận có thể bị hỏng về sau, nhưng công ty bảo hiểm đề nghị giảm phạm vi bảo hiểm. Ban đầu phía bảo hiểm không chấp nhận và mất 4 tháng để họ chấp nhận. Ngoài ra, khi thực sự bắt tay vào sửa chữa thì mới thấy phạm vi sửa chữa tăng thêm", vị CEO của hãng xe Nhật tại Việt Nam cho biết.
Báo cáo về giải pháp cho vấn đề này, hãng Suzuki cho hay hãng sẽ mở rộng kho phụ tùng, tái cơ cấu tổ chức quản lý tồn kho và nâng cao năng lực đánh giá dịch vụ sửa chữa của các đại lý.
Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn khách hàng phản ánh đến Báo Giao thông về tình trạng "loạn giá" phụ tùng ở một số đại lý Suzuki tại Hà Nội.
Theo nguồn tin của Báo Giao thông, các khách hàng đã gửi đơn kiến nghị đến các lãnh đạo Cục Quản lý cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công thương) nhưng chưa nhận được phản hồi từ cơ quan chức năng.