Đêm ngày 5/4, thông tin từ Cục Tuyên huấn, Bộ Quốc phòng cho biết, trực thăng Bell-505, số hiệu VN-8650 của Công ty Trực thăng Miền Bắc thuộc Tổng Công ty Trực thăng Việt Nam (Binh đoàn 18) do Đại tá C.Q.M. điều khiển, chở 4 khách du lịch người Việt Nam thực hiện dịch vụ du lịch ngắm cảnh Vịnh hạ Long từ trên cao, cất cánh lúc 16h56 phút, mất liên lạc lúc 17h15 phút.
Ngay khi máy bay mất tín hiệu, Công ty Trực thăng miền Bắc đã phối hợp với Bộ đội Biên phòng và lực lượng quân sự địa phương khẩn trương tìm kiếm, cứu nạn. Lúc 19h18 phút, lực lượng tại hiện trường báo cáo đã vớt được 2 thi thể cùng một số mảnh vỡ nghi là của máy bay tại vị trí mép bờ, tọa độ 20051’51.2”N-107001’13.4”E. Các lực lượng chức năng vẫn đang tích cực tìm kiếm chiếc máy bay và những người còn lại.
Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Ninh cho biết, khoảng 17h15 ngày 5/4, ngư dân phát hiện một máy bay phát nổ và rơi xuống biển tại khu vực đảo Hòn Nét thuộc địa phận huyện Cát Hải, TP Hải Phòng giáp ranh với vịnh Hạ Long. Hiện tại các lực lượng tìm kiếm vẫn đang tập trung tìm các nạn nhân còn lại.
Trao đổi với PV Tri thức và Cuộc sống, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường – Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, trường hợp máy bay trực thăng là phương tiện vận tải du lịch phải tuân thủ các quy định của pháp luật liên quan đến vận tải và hoạt động du lịch.
Đây là vụ tai nạn máy bay nghiêm trọng nên cơ quan chức năng sẽ vào cuộc xác minh làm rõ nguyên nhân của vụ tai nạn này để có kết luận, giải quyết vụ việc theo quy định của pháp luật.
Trong trường hợp xác định có lỗi của tổ chức, cá nhân, tùy thuộc vào mức độ lỗi, người có lỗi gây thiệt hại phải chịu trách nhiệm pháp lý trước pháp luật, có thể là trách nhiệm kỷ luật, bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Đối với hành khách mua vé tham quan du lịch trong chuyến bay này, đơn vị cung cấp dịch vụ vận tải phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại về tính mạng của hành khách theo quy định của pháp luật về dân sự. Thiệt hại bao gồm chi phí mai táng, tiền nghĩa vụ cấp dưỡng mà nạn nhân phải cấp dưỡng cho thân nhân của họ và tiền bồi thường tổn thất về tinh thần theo quy định của bộ luật dân sự.
Trường hợp vé máy bay có bao gồm phí bảo hiểm trong trường hợp gặp tai nạn rủi ro, công ty bảo hiểm có trách nhiệm phải chi trả cho những thiệt hại này.
“Đây là vụ tai nạn hàng không hi hữu xảy ra trong thời gian gần đây ở Việt Nam. Điều này cho thấy đã có vấn đề mất an toàn, có rủi ro xảy ra trong hoạt động vận tải hàng không phục vụ khách du lịch. Bởi vậy cơ quan chức năng cần thận trọng trong việc phân tích đánh giá nguyên nhân để có những giải pháp đảm bảo an toàn cho hoạt động hàng không nói chung và hàng không phục vụ du lịch nói riêng, tránh những vụ việc đáng tiếc tương tự có thể xảy ra”, luật sư Cường nêu ý kiến.
Được biết, Bell 505 là trực thăng thế hệ mới, hạng nhẹ do hãng Bell Helicopter của Mỹ sản xuất năm 2018. Máy bay được chứng nhận an toàn bởi Cục quản lý hàng không liên bang Mỹ (US FAA) và cơ quan An toàn Hàng không Liên minh châu Âu (EUASA).
Thông tin giới thiệu về dịch vụ bay trực thăng ngắm vịnh Hạ Long, chiếc trực thăng Bell 505 là loại có 5 chỗ ngồi, có sân bay helipad riêng trên đảo Tuần Châu, TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh chuyên phục vụ các chuyến bay ngắm cảnh Hạ Long.
Hành trình tour trực thăng Hạ Long thường kéo dài 10 phút, ngắm cảnh theo lộ trình đảo Tuần Châu - đảo Đầu Gỗ - hòn Gà Chọi - đảo Titop – vịnh Bái Tử Long - đảo Rều - đảo Tuần Châu.
>>> Mời độc giả xem video Máy bay trực thăng rơi ở vịnh Lan Hạ, 2 người tử vong