<div> <table align="left"> <tbody> <tr> <td><img alt="Clip phu nu de tre so vung nhay cam anh 1" src="https://khds.1cdn.vn/2020/07/23/znews-photo-zadn-vn_child_rape_survivor_1.jpg" title="Clip phụ nữ để trẻ sờ vùng nhạy cảm ảnh 1" /></td> </tr> <tr> <td class="pCaption caption"> <p> </p> </td> </tr> </tbody> </table> <p>Loạt clip người phụ nữ bán khỏa thân để trẻ đụng chạm vùng nhạy cảm đang được cơ quan chức năng làm rõ. Tuy nhiên, trước đó, nhiều vụ việc trẻ bị người thân xâm hại, khiến dư luận đặt câu hỏi: Liệu trẻ em có an toàn ngay trong chính ngôi nhà, bên cạnh người quen không?</p> <h3>Tỷ lệ trẻ bị xâm hại tình dục bởi người thân cao</h3> <p>Theo báo cáo của Chính phủ, giai đoạn từ ngày 1/1/2015 đến ngày 30/6/2019, cả nước có 8.442 vụ xâm hại trẻ em được phát hiện, xử lý, với 8.709 trẻ em bị xâm hại.</p> <p>Trong đó, xâm hại tình dục chiếm đến 75,4% tổng số vụ xâm hại trẻ em. Thậm chí, tại một số địa phương như Cần Thơ, Hậu Giang, Kiên Giang, Đồng Nai, con số này lên đến 90%.</p> <p>Thống kê trong 2 năm 2017, 2018 và 6 tháng đầu năm 2019, số trẻ em bị xâm hại tình dục khoảng 4.000 em. Thủ phạm của những vụ việc này đa số là người thân, người quen, hàng xóm. Thậm chí, có nhiều vụ, thủ phạm lại chính là người thân trong gia đình. Nạn nhân phần lớn là bé gái. Thời gian gần đây, tình trạng xâm hại tình dục trẻ em trai cũng xuất hiện.</p> <p>“Trong khảo sát Quốc hội mới thực hiện tại 15 tỉnh, các vụ xâm hại nói chung, xâm hại tình dục nói riêng, đối với trẻ em do chính người thân gây ra chiếm tỷ lệ rất cao. Có cả trường hợp người ruột thịt, trực tiếp chăm sóc các em, thậm chí bố đẻ, không nhiều, nhưng vẫn có”, bà Ninh Thị Hồng, Phó chủ tịch Hội Bảo vệ Quyền trẻ em Việt Nam, nói với <em>Zing</em>.</p> <p>Điều đáng nói, đây chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm”. Trong nhiều trường hợp, hành vi tội ác của kẻ mang danh “người nhà” được che giấu, còn trẻ phải âm thầm chịu đựng nỗi đau nặng nề, dai dẳng.</p> <p>Thạc sĩ tâm lý lâm sàng Trần Thị Tâm Nhàn cho biết những vụ xâm hại tình dục để lại di chứng đối với tâm lý trẻ, khiến các em khủng hoảng tinh thần, đặc biệt khi nạn nhân còn quá nhỏ, chưa phát triển.</p> <p>Theo bà Tâm Nhàn, việc bị xâm hại bởi chính người thân trong gia đình là nỗi đau về mặt thể xác lẫn tinh thần. Trong đó, đau đớn nhất, các em gần như không thể tố cáo.</p> <p>“Khi chịu tổn thương, trẻ có thể nói sự thật với ai đó, hay tố cáo. Nhưng khi thủ phạm là người thân, các em vừa chịu đựng tổn thương vừa phải giữ kín bí mật, không dám hoặc không được phép chia sẻ với bất kỳ ai, có thể vì bị hăm dọa hay lý do khác”, bà Tâm Nhàn chia sẻ.</p> <p>Bà nói thêm nỗi đau đớn đó có thể kéo dài đến khi trẻ trưởng thành, thậm chí nhiều năm sau đó nếu không được chữa trị.</p> <table align="center"> <tbody> <tr> <td><img alt="Clip phu nu de tre so vung nhay cam anh 2" src="https://khds.1cdn.vn/2020/07/23/znews-photo-zadn-vn_anh_1.jpg" title="Clip phụ nữ để trẻ sờ vùng nhạy cảm ảnh 2" /></td> </tr> <tr> <td class="pCaption caption"> <p>Loạt clip được cho là phụ nữ bán khỏa thân để trẻ đụng chạm vùng nhạy cảm một lần nữa đặt ra vấn đề bảo vệ trẻ. Ảnh cắt từ clip. Ảnh: <em>Chronicle</em>.</p> </td> </tr> </tbody> </table> <h3>Người trong cuộc im lặng, cộng đồng có thờ ơ?</h3> <p>Sự im lặng, nhẫn nhục chịu đựng của nạn nhân và người thân các em khiến công tác phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em gặp nhiều khó khăn.</p> <p>Bà Ninh Thị Hồng cho hay pháp luật nghiêm khắc, khung hình phạt cho hành vi xâm hại tình dục trẻ em rất cao, thậm chí đến chung thân, tử hình. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, trẻ bị xâm hại song không tìm ra thủ phạm.</p> <p>Bà giải thích nhiều gia đình xấu hổ, hơn nữa kẻ thực hiện hành vi đồi bại lại là người thân nên không muốn để ai biết, hoặc trình báo muộn. Do đó, cơ quan chức năng không thể phá án, không đủ chứng cứ để khởi tố.</p> <p>Ngoài ra, bà Hồng cho hay một số vụ phát hiện nhưng xử lý dưới khung. Tuy nhiên, số lượng này không nhiều.</p> <p>“Chủ yếu những vụ trẻ bị xâm hại nhưng không tìm ra thủ phạm do trình báo chậm, sự phối hợp của các ngành chưa đồng bộ”, bà Ninh Thị Hồng nói.</p> <p>Trong khi đó, theo bà, đạo đức xã hội xuống cấp khiến tình trạng trẻ bị xâm hại tình dục ngày càng nghiêm trọng. Gia đình không bền vững, tỷ lệ ly hôn cao, tệ nạn xã hội nhiều cũng khiến trẻ phải đối mặt với nguy cơ bị dâm ô, xâm hại tình dục lớn.</p> <p>“Nhiều ông bố, bà mẹ có cách sống buông thả, bỏ mặc con cho người khác nuôi. Nhiều bé phải sống với họ hàng thân thích, tỷ lệ xâm hại, cả tình dục lẫn đánh đập, đều cao”, Phó chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam cho hay.</p> <p>Thêm vào đó, cộng đồng, đặc biệt ở những nơi dân cư đông đúc, ngày càng ít quan tâm đến nhau. Sự thờ ơ này khiến nhiều trường hợp trẻ bị xâm hại trong thời gian dài nhưng không ai biết.</p> <p>Khi mọi việc được lôi ra ánh sáng, hậu quả đã quá nặng nề. Thực tế, nhiều vụ, bé gái bị xâm hại tình dục dẫn đến có thai. Tình trạng này xảy ra ở các thành phố lớn, trong đó, TP.HCM nhiều vụ nhất.</p> <p>The bà, nhiều nạn nhân bị xâm hại không chỉ một lần mà nhiều lần song không ai phát hiện, đến khi có thai mới biết. Điều này phản ánh thực tế đáng buồn về sự quan tâm của cộng đồng, gia đình đối với trẻ em lỏng lẻo.</p> <p>Ngoài ra, công tác truyền thông chưa đầy đủ dẫn đến gia đình và bản thân trẻ chưa biết cách phòng chống nguy cơ trẻ em bị dâm ô, xâm hại tình dục bởi chính người thân trong gia đình.</p> <table align="center"> <tbody> <tr> <td><img alt="Clip phu nu de tre so vung nhay cam anh 3" src="https://khds.1cdn.vn/2020/07/23/znews-photo-zadn-vn_scared_child_domestic_abuse.jpg" title="Clip phụ nữ để trẻ sờ vùng nhạy cảm ảnh 3" /></td> </tr> <tr> <td class="pCaption caption"> <p>Việc dạy trẻ ý thức tự bảo vệ mình trước nguy cơ bị xâm hại bởi người thân, người quen rất quan trọng. Ảnh: <em>Community Care.</em></p> </td> </tr> </tbody> </table> <h3>Cần biện pháp phòng ngừa</h3> <p>Cũng theo bà Ninh Thị Hồng, để bảo vệ trẻ, từng gia đình, đặc biệt người bà, người mẹ phải quan tâm con. Họ là người nắm rõ những người xung quanh, ai tốt, ai có nguy cơ.</p> <p>“Một số người tốt nhưng uống rượu say dẫn đến hành vi thú tính với con cái, người thân. Do đó, gia đình cần có biện pháp phòng ngừa”, bà lưu ý.</p> <p>Ngoài ra, đến độ tuổi nhất định, trẻ cần được dạy cách phân biệt hành vi nào sai trái, nếu gặp phải, các em cần dũng cảm, trình báo cho ai, kêu cứu như thế nào.</p> <p>Đương nhiên, việc bảo vệ trẻ khỏi nguy cơ bị xâm hại tình dục không dễ, đặc biệt khi thủ phạm là người thân - đối tượng ít ai ngờ tới. Thạc sĩ tâm lý Trần Thị Tâm Nhàn thừa nhận việc dạy trẻ có ý thức đề phòng người nhà rất khó. Người lớn cần chú trọng dạy con biết bảo vệ vùng kín, tùy theo độ tuổi để có cách nói phù hợp.</p> <p>Trẻ cần hiểu khu vực bikini là bộ phận riêng tư, không ai được phép đụng chạm, tránh để người lạ ôm ấp. Trẻ cần biết cách phân biệt cử chỉ thân thiện với hành vi suồng sã.</p> <p>Bên cạnh việc dạy con, người lớn cũng cần mô phạm để trẻ noi theo. Cha mẹ có thể nắm tay hay hôn nhẹ nhàng lên má và nên tập cho trẻ ngủ riêng.</p> <p>“Một số phụ huynh hôn phần kín của con để bày tỏ tình yêu thương. Thói quen này cần phải bỏ, tránh trẻ cảm thấy đây là hành vi bình thường”, bà Tâm Nhàn lưu ý.</p> <p>Bà cho rằng người lớn không thể nói thẳng với con về nguy cơ bị xâm hại tình dục khiến trẻ sợ hãi. Thay vào đó, họ dạy con thói quen bảo vệ mình khỏi hành vi đồi bại từ người xung quanh, kể cả người nhà.</p> <p>Ngoài ra, phụ huynh nên hạn chế la mắng con, đồng thời tạo mối quan hệ thân thiết như bạn bè để trẻ sẵn sàng chia sẻ mọi chuyện với mình. Như vậy, lỡ gặp chuyện không may, trẻ còn biết kể lại để gia đình biết, tìm cách giải quyết.</p> <p>Khi sự việc đau lòng xảy ra, gia đình nên tìm đến chuyên gia trị liệu tâm lý để can thiệp kịp thời. Những người này sẽ nâng đỡ trẻ trong thời khắc khó khăn, hướng dẫn gia đình cách tiếp cận, tương tác với trẻ.</p> <p>Các cuộc trò chuyện với chuyên gia tâm lý giúp trẻ mở lòng, nói rõ những uẩn ức để giảm bớt tổn thương.</p> <p>“Việc trị liệu cần nhiều thời gian và phương pháp tiếp cận phù hợp để giúp nạn nhân giảm bớt sang chấn, dần trở lại sinh hoạt bình thường. Nhờ đó, thời gian trôi đi, chấn thương nhạt dần và trẻ có thể bắt đầu lại cuộc sống”, thạc sĩ Trần Thị Tâm Nhàn nói.</p> </div> <p> </p>