Vụ “thỉnh vong giải nghiệp”: Đạo Phật không có chuyện đòi trả nợ

(khoahocdoisong.vn) - Theo Phật giáo, chỉ có tự mình mới giải được nghiệp cho mình. Nhà chùa không được đem ma quỷ hù dọa chúng sinh, khiến chúng sinh sợ rồi kêu gì cũng làm.

Đổ lỗi cho nạn nhân là khuyến khích cho cái ác, xấu

Theo báo chí phản ánh, cứ mỗi tháng 3 đợt, mỗi đợt 2 ngày (vào các ngày 7 - 8; 13 - 14; 29 - 30 âm lịch), tại chùa Ba Vàng lại diễn ra lễ “thỉnh vong giải nghiệp” và tuyên truyền về chuyện “vong báo oán”, thu hút hàng ngàn người tham dự.

Tại đây, họ được một số người tuyên truyền rằng những khổ não của kiếp này là do kiếp trước gây ra, theo thuyết nhân quả nhà Phật. Ma quỷ là có thật và ai cũng có thể bị vong – là những người mà mình gây ra tội từ kiếp trước theo. Muốn thoát nạn thì phải trả nợ cho vong, qua hình thức công đức vào nhà chùa từ vài triệu đến hàng chục triệu đồng.

Chùa Ba Vàng. Ảnh: Nguyễn Đức.

Chùa Ba Vàng. Ảnh: Nguyễn Đức.


Vậy theo quan niệm Phật giáo, điều này có đúng hay không? Trao đổi với KH&ĐS, Ni sư Thích Nữ Tín Liên, Ủy viên Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho biết, nhân quả là giáo lý căn bản của nhà Phật. Theo đó, gieo nhân tốt, tức là làm những điều tốt thì sẽ gặt quả tốt. Còn nếu gieo nhân xấu, như sát sinh, trộm cắp, tà dâm... thì sẽ gặt quả xấu.

Tuy nhiên, không nên hiểu nhân nào quả đó một cách đơn giản. Và cũng không phải ai cũng đủ năng lực, có con mắt thấu suốt biết được nhân quả trong vô lượng kiếp của một con người. Việc nhìn một hiện tượng nào đó rồi kết luận, quy kết do quả báo đem lại là không đúng với giáo lý nhà Phật, mang tính chất chủ quan, hàm hồ.

Việc bà Phạm Thị Yến ở chùa Ba Vàng giải thích nữ sinh bán gà bị giết chết do nhân kiếp trước là khuyến khích cho cái ác, cái xấu. “Những người làm xấu,  ác họ sẽ nghĩ rằng mình không có tội, mà do cô gái kia gieo nhân xấu trong quá khứ. Hơn nữa, còn rất tội nghiệp cho gia đình của nữ sinh xấu số. Trong lúc gia đình người ta đang đau đớn tột cùng lại còn nói vậy, tội nghiệp cho cả vong linh cô gái”, Ni sư Thích Nữ Tín Liên nói.

Giải được nghiệp thì nhà giàu không còn tội

Đại đức Thích Trúc Thái Minh, trụ trì chùa Ba Vàng có buổi nói chuyện trước Phật tử và live streams trên mạng xã hội. Ảnh KT.

Đại đức Thích Trúc Thái Minh, trụ trì chùa Ba Vàng có buổi nói chuyện trước Phật tử và live streams trên mạng xã hội. Ảnh KT.

Trước câu hỏi, liệu có nhờ người khác giải nghiệp được không, giải nghiệp bằng cách nào, GS.TS Trần Lâm Biền, nhà nghiên cứu văn hóa Việt Nam cho biết, trong tín ngưỡng dân gian, những người bị hóa thành kiếp gia cầm, thú vật... là đang trả nghiệp cho những việc làm xấu của mình, không có chuyện họ đi trả thù, đòi nợ. Nếu họ tiếp tục lại làm điều xấu, ác như vậy thì làm sao họ có thể chuyển kiếp được? Hơn nữa, đạo Phật hay các tín ngưỡng khác đều có xu hướng hướng tới sự tử tế chứ không trả nghiệp. Đạo Phật không có chuyện đòi trả nghiệp.

Theo GS.TS Trần Lâm Biền, việc dùng tiền để hối lộ cho vong ở chùa Ba Vàng là bịp bợm. Nếu nhà sư làm việc này mà không lấy tiền thì còn nằm trong tín ngưỡng. Còn lợi dụng sự hiểu biết còn thấp của nhân dân mà móc túi họ thì là sự tàn ác. Và việc này còn ác hơn nhiều sự cướp của, móc túi thông thường.

“Bởi đó là sự trần tục hóa thần linh, kéo thần linh vào những chuyện nhớp nhúa, tham lam của cuộc đời. Nó khác với tư tưởng hòa quang đồng trần, là hòa ánh sáng đạo Phật vào cuộc đời bụi bặm đau khổ để giáo hóa chúng sinh đời Trần. Anh không thể giết người rồi dùng đồng tiền mua thần linh. Thần linh là những vị chân lý tuyệt đối. Chân lý tuyệt đối thì không thể mua được bằng tiền. Sử dụng đạo đức, thế giới của nhà Phật để lừa bịp là hành vi buôn thần bán thánh rất tội lỗi”, GS.TS Trần Lâm Biền nói.

Theo GS.TS Trần Lâm Biền, giả sử nếu giải được nghiệp bằng tiền thì cuộc đời này những người giàu sẽ không bao giờ có tội, họ sẽ dùng tiền mua hết nghiệp. Cuối cùng, phải chịu nghiệp sẽ chỉ còn lại toàn người nghèo. Đó là điều vô lý.

Đồng quan điểm, TS Bùi Hữu Dược, Vụ trưởng Vụ Phật giáo cho hay, nhân quả không phải chỉ là tư tưởng của nhà Phật, nó là “quy luật sắt” của vũ trụ. Ở hiền thì gặp lành, xấu thì gặp xấu, gieo gió thì gặp bão. Và cũng không thể nhờ ai giải được nhân quả.

Nếu giải được nhân quả bằng tiền thì người xấu cứ tranh đoạt, làm việc bất thiện rồi đến nhà chùa nhờ giải hạn cho thì xã hội loạn, không còn pháp luật, luật đời, luật trời. Đó là sự phi nhân tính, phi đạo đức, đặc biệt là phi nhân quả.

Còn theo Ni sư Thích Nữ Tín Liên, Đức Phật nói rằng nhân quả là không bao giờ sai trệ. Nhưng nhân quả khác định mệnh. Theo thuyết nhân quả của Phật giáo, trong quá khứ lỡ gieo nghiệp xấu, kiếp này làm nhiều việc tốt thì sẽ giải được cái nghiệp xấu đó.

Trong bài kinh hạt muối, Đức Phật so sánh, nghiệp xấu như một muỗng muối. Nếu như phước của mình ít quá, chỉ bằng một bát nước thì cái muỗng muối hòa trong bát nước sẽ mặn. Nhưng nếu phước mình là một hồ nước hay một sông nước thì muỗng muối đổ vào không ảnh hưởng gì.

Và nghiệp đó, cũng cũng do mình tự giải. “Diễn ca kinh Phật có câu: Chỉ tự ta dữ lành phước tội/Chỉ tự ta nghiệp đổi duyên thay/Tự ta trau sửa dùi mài/Sạch nhơ không thể nhờ ai liệu giùm. Đức Phật nói phải tự đốt đuốc, đi bằng đôi chân của mình, không thể cậy nhờ người khác hay dùng tiền hóa giải. Đến đức Phật còn không giải được nghiệp cho dòng họ của mình cơ mà”, Ni sư Tín Nữ Thích Liên cho biết.

Nghiệp cũng như vậy, làm nhiều việc thiện thì nghiệp sẽ được giải. Đức Phật khuyến khích bá tính luôn làm điều tốt đẹp, bố thí, giúp đỡ người nghèo khó. Đừng băn khoăn kiếp trước mình làm việc gì, chỉ biết rằng kiếp này mình làm điều tốt đẹp, thì đó chính là phước báu, sẽ giải được nghiệp quá khứ.

Nhà chùa không được đem ma quỷ ra hù dọa chúng sinh

Về quan niệm liệu có ma quỷ, vong hồn hay không, Ni sư Thích Nữ Tín Liên nói, trong giáo lý của Phật, có cảnh giới ma, là cảnh giới thấp.

Trong sáu nẻo luân hồi sanh tử lộn đi lộn lại, nếu phước nhiều thì được sinh vào cõi người và chư thiên, là cảnh giới đẹp. Còn nếu nghiệp nặng thì sinh vào cảnh giới thấp gồm địa ngục, súc sinh, ngạ quỷ, atula (thần).

Nhưng cũng có một số giảng sư nói rằng, ma quỷ là ở chính trong tâm mình. Nếu tâm của mình xấu, ác thì là tâm của ma quỷ, địa ngục, của súc sinh. Còn khi tâm tốt thì đó là tâm của nhân và thiên.

Và cũng không ai đủ khả năng cắt vong. Mà chủ yếu do phước đức của mình. Vẫn có câu: “Đức trọng quỷ thần kinh”. Khi mình có đức, tốt đẹp thì quỷ thần còn hộ trì, không phá. Cảnh giới nào thì sẽ sống trong cảnh giới đó, không phạm vào nhau.

Việc người dân đổ xô đi "thỉnh" vong, theo Ni sư Thích Nữ Tín Liên, một phần là do họ chưa hiểu về Phật pháp. Một phần nữa, khi người ta nghe nói những phần tâm linh thì thường cảm thấy sợ sệt.

“Nhà chùa không được bày ra việc thỉnh oan gia trái chủ. Chúng sanh vốn đã sợ sệt với những gì huyền bí không nhìn thấy rồi, giờ đem việc đó ra hù dọa, mà khi người ta sợ thì kêu gì cũng làm, đó là việc làm đáng lên án. Trong Phật giáo có việc cúng dường để tăng phước báu, nhưng là sự tự nguyện, chứ không phải vì bị hù dọa, sợ mà phải làm”, Ni sư Thích Nữ Tín Liên nói.

Còn theo nhà nghiên cứu văn hóa Trần Lâm Biền, theo tín ngưỡng dân gian cũng như một số tôn giáo, khi được lên kiếp người thì đã được cải tạo ở thế giới âm rồi. Và khi đi đầu thai là đã uống thuốc lú để quên hết về thời gian quá khứ, nhằm xây dựng một cuộc sống mới, tốt đẹp hơn. Điều này thể hiện sự nhân đạo, nhân văn.

Vậy mà những người ở chùa Ba Vàng lại đi móc máy lại những chuyện quá khứ, lợi dụng niềm tin, sự mê tín dị đoan của người dân nhằm trục lợi, móc túi họ là điều phản nhân văn, không thể chấp nhận được.

Theo GS.TS Nguyễn Lâm Biền, đạo Phật là hệ triết học lấy trí tuệ làm đầu để giáo dục con người hiểu biết. Hiểu biết là điều cơ bản để dẫn tới thiện tâm. Ngu tối thì chỉ dẫn tới tội ác. Đến chùa là để hiểu biết những thiện căn trên nền tảng trí tuệ Phật, diệt trừ ngu tối. Nếu ai ở chùa mà lại tuyên truyền sự ngu tối thì hãy rời khỏi thế giới của Phật.

Theo Đời sống
back to top