Nhiễm sán dây: Không có gì đặc biệt
Trước vụ việc ở Bắc Ninh, GS.TS Nguyễn Văn Đề, nguyên trưởng Bộ môn ký sinh trùng, Trường ĐH Y Hà Nội cho biết, cách đây nửa tháng có 10 người ở Đông Anh tới nhờ ông xét nghiệm ATSL và cho biết, có 40 người liên hoan ăn phải một con lợn gạo. Kết quả 10 người xét nghiệm có 6 người dương tính với SDL.
Hỏi lý do tại sao giáo sư không công bố tin này, ông cho biết, SDL là loại sán dây đã biết từ lâu trong cộng đồng, với tỷ lệ nhiễm từ 0,5-12% và có thể chữa khỏi hoàn toàn nên không có gì đặc biệt. Tại Việt Nam, bệnh SDL và ATSL phân bố ở nhiều nơi liên quan đến tập quán ăn thịt lợn chưa nấu chín như nem thính, nem chua... đã có từ lâu.
PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục Trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết, theo số liệu được báo cáo của các cơ sở điều trị đến nay, có ít nhất 55 tỉnh, thành có trường hợp bệnh sán dây, ATSL.
Việc kết luận các cháu nhỏ ở Thuận Thành, Bắc Ninh nhiễm sán lợn có phải do ăn phải thịt lợn hay không, cần phải có các chứng cứ xác thực. Hiện tại các bác sĩ đã và đang tích cực khám chẩn đoán phát hiện các triệu chứng, đánh giá các nguyên nhân, các yếu tố dịch tễ, tiền sử sử dụng các loại thức ăn bị ô nhiễm, làm xét nghiệm và tiến hành các phân tích để có kết luận chính xác.
Không chỉ ăn thịt lợn mới gây bệnh
GS.TS Nguyễn Văn Đề cảnh báo, nhiều người cứ nghĩ mắc ấu trùng sán lợn là do ăn phải lợn gạo, nhưng thực tế, sán lợn vào người theo hai cách: Thứ nhất, khi người ăn phải thức ăn (rau sống, thực phẩm nhiễm bẩn...), nước uống, tay bẩn đưa lên miệng... có nhiễm trứng SDL thì sẽ bị nhiễm. Trứng sán vào người rồi phát triển thành ấu trùng sán chui qua thành ruột vào máu để đến cơ và não, có khi vào mắt. Thứ hai, xâm nhập qua đường tự nhiễm: là ăn phải thịt lợn có ấu trùng sán vào ruột phát triển thành sán trưởng thành ký sinh trong ruột, do nhu động ngược của ruột, các đốt sán già bị trào ngược lên dạ dày, trứng sán thoát ra khỏi đốt sán rồi nở ra ấu trùng và xâm nhập vào vòng tuần hoàn để đến cơ và não...
Nhiều trường hợp trên một bệnh nhân nhiễm cả sán trưởng thành và cả ATSL. Tuy nhiên trên thực tế thường gặp ATSL là thứ phát sau tiền sử có mắc bệnh sán trưởng thành. Theo thống kê, 54% bệnh nhân mắc ATSL có tiền sử hoặc đang mắc sán lợn trưởng thành. Còn thống kê của GS.TS Đề cho thấy, trong số 60 bệnh nhân ATSL điều trị tại Hà Nội có 30% nhiễm sán trưởng thành.
GS.TS Đề cảnh báo, người có sán trưởng thành dễ có nguy cơ mắc bệnh ATSL. Thông thường các đốt sán già theo phân ra ngoại cảnh. Nhưng nếu các đốt sán ở ruột bị đẩy lên dạ dày, lúc đó các đốt sán bị phá hủy và không khác gì một người ăn phải trứng sán với số lượng rất nhiều và số lượng ấu trùng nở ra cũng rất nhiều. Và người trở thành “ người gạo” bởi các kén này giống như hạt gạo ở các tổ chức dưới da, mắt, não, cơ, tim, phổi gan và phúc mạc....Thực tế tại Việt Nam cũng đã ghi nhận bệnh nhân mang tới 300 nang sán dưới da và 300 nang trong não. Chính GS.TS Đề cũng đã gặp hai chị em bệnh nhân cùng mắc căn bệnh SDL dẫn đến co giật do sán ký sinh ở não gây tổn thương não.
Đặc biệt, thời gian sống của SDL trưởng thành ở người có thể trên 10 – 20 năm và ấu trùng cũng vậy. Vì vậy, cần phát hiện sớm những người mắc bệnh sán dây trưởng thành và xử lý những con sán được tẩy ra để ngăn ngừa mắc bệnh ATSL theo cơ chế tự nhiễm.
Cách phòng tránh bệnh
- Thực hiện ăn chín, uống chín, ăn các thức ăn đã được nấu chín kỹ, chế biến hợp vệ sinh.
- Chỉ sử dụng thịt lợn đã được kiểm định an toàn thực phẩm. Không ăn thịt lợn tái, chưa nấu chín như nem thính, nem chua (nguy cơ nhiễm sán dây trưởng thành), rau sống không đảm bảo vệ sinh (nguy cơ mắc bệnh ATSL).
- Quản lý phân tươi, nhất là ở những vùng có người nhiễm sán dây lợn trưởng thành. Sử dụng hố xí hợp vệ sinh. Không nuôi lợn thả rông.
- Người có sán trưởng thành trong ruột phải được điều trị, không phóng uế bừa bãi.