Những năm gần đây, Hà Nội đầu tư hàng nghìn tỷ đồng vào công nghệ thông tin (CNTT) cho quản lý hành chính. Theo kế hoạch, giai đoạn 2016 - 2020 Hà Nội sẽ dành khoảng 1.252 tỷ đồng cho việc này.
Ai “nâng tầm” nền CNTT Hà Nội?
Ngày 9/5, cơ quan điều tra của Bộ Công an đã tiến hành khám xét cửa hàng điện thoại Nhật Cường Mobile, địa chỉ 33 Lý Quốc Sư, Hà Nội, khám xét chung cư Golden Westlake ở 162A Hoàng Hoa Thám, quận Ba Đình - nơi ở của lãnh đạo Công ty Nhật Cường. Trong thời gian này, hệ thống cửa hàng điện thoại Nhật Cường Mobile trên địa bàn Hà Nội cũng đồng loạt đóng cửa.
Thông tin bổ sung, tại phố Lý Quốc Sư hiện có 2 doanh nghiệp mang tên Nhật Cường Technic, và Nhật Cường Software. Trong đó, Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ kỹ thuật Nhật Cường (Nhật Cường Technic) và Công ty TNHH Giải pháp phần mềm Nhật Cường (Nhật Cường Software). Cả 02 doanh nghiệp này hiện nay đều do ông Bùi Quang Huy (SN 1974) đại diện theo pháp luật.
Trong đó, Nhật Cường Technic được cấp đăng ký kinh doanh lần đầu vào ngày 20/6/2001 với số vốn điều lệ 5 tỷ đồng. Đến nay, doanh nghiệp này có vốn điều lệ 38 tỷ đồng. Công ty này do ông Trần Ngọc Ánh góp 3,8 tỷ đồng, nắm giữ 10% vốn điều lệ, còn ông Bùi Quang Huy góp 34,2 tỷ đồng, nắm 90% vốn điều lệ. Ngành nghề kinh doanh chính là buôn bán thiết bị và linh kiện điện tử viễn thông, lĩnh vực xuất bản phần mềm không phải là ngành nghề kinh doanh chính.
Nhật Cường Software được đăng ký kinh doanh lần đầu vào ngày 29/1/2016 với ngành nghề kinh doanh chính là xuất bản phần mềm. Ngoài ra, còn kinh doanh lĩnh vực bán buôn thiết bị và linh kiện điện tử, viễn thông. Trước đây, Nhật Cường Software do ông Võ Minh Hiếu (SN 1980), người gốc Quảng Ngãi làm Giám đốc, đại diện theo pháp luật. Tuy nhiên, đến nay vị trí này đã được giao lại cho ông Bùi Quang Huy. Ngoài ra, ông Bùi Quang Huy còn là người đại diện theo pháp luật cho Công ty TNHH Nhật Cường Chitosan có địa chỉ KCN Sóng Thần 1, TX Dĩ An, Bình Dương.
Doanh nghiệp này hiện có vai trò quan trọng trong việc quản lý và vận hành hệ thống phần mềm hành chính công và các phần mềm chuyên ngành khác của các cơ quan TP Hà Nội.
Theo hồ sơ năng lực, nhóm khách hàng cơ quan hành chính của Nhật Cường Software hầu hết là các cơ quan nhà nước trực thuộc UBND TP Hà Nội. Bao gồm UBND TP Hà Nội, Công an Thành phố, các Sở TT&TT, Sở Y tế, Sở GD&ĐT; Sở Công thương, Sở Tư pháp, Sở Du lịch, Sở VH&TT, Sở Quy hoạch kiến trúc, Sở Tài chính, Sở Xây dựng, Sở TN&MT...
Với sự tham gia hỗ trợ của 2 công ty “họ” Nhật Cường, năm 2016, Hà Nội vươn lên đứng thứ 2 về ứng dụng công nghệ thông tin trên toàn quốc, đồng thời tăng tới 6 bậc để đứng tại vị trí thứ 3/63 tỉnh, thành về cải cách thủ tục hành chính. Ngày 29/7/2017, UBND TP Hà Nội đã tặng Bằng khen đột xuất cho Công ty TNHH thương mại và Dịch vụ Kỹ thuật Nhật Cường (Nhật Cường Technic), vì đã có thành tích trong triển khai Hệ thống dịch vụ công trực tuyến mức độ 3.
Một quyết tâm nghìn tỷ
Cuối năm 2015, Hà Nội thông qua Chương trình mục tiêu Ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước TP Hà Nội giai đoạn 2016 - 2020. Việc triển khai này là căn cứ vào Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 01/7/2014 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế.
Mục tiêu của chương trình là nhằm phát triển chính quyền điện tử gắn liền với cải cách hành chính, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển kinh tế tri thức và cung cấp các dịch vụ công tốt nhất phục vụ người dân và doanh nghiệp. Đặc biệt là để phục vụ người dân và doanh nghiệp hướng tới xây dựng Thủ đô Hà Nội thành Thành phố thông minh.
TP Hà Nội đã dự kiến tổng kinh phí dành cho đầu tư các dự án, hạng mục ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan hành chính là 1.252 tỷ đồng giai đoạn 2016 - 2020.
Triển khai chương trình, UBND TP Hà Nội đã lập Ban Chỉ đạo ứng dụng công nghệ thông tin, thường xuyên chỉ đạo các sở, ngành, địa phương thực hiện. Hàng loạt dự án, hạng mục đầu tư được hình thành từ các cơ sở dữ liệu, phần mềm chuyên ngành và các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 đã được ra đời.
TP Hà Nội lên kế hoạch huy động các nguồn lực để triển khai ứng dụng công nghệ thông tin. Trong đó, ngân sách đầu tư hạ tầng dùng chung, các ứng dụng, Cơ sở dữ liệu dùng chung, hạ tầng thông tin chuyên ngành, đào tạo nhân lực cho các cơ quan trong bộ máy quản lý... của thành phố. Các sở, ban, ngành và UBND các quận/huyện chủ động bố trí kinh phí đảm bảo cơ sở hạ tầng và duy trì, vận hành các ứng dụng công nghệ thông tin tại đơn vị theo phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi... Thành phố yêu cầu ưu tiên lựa chọn hình thức thuê dịch vụ công nghệ thông tin theo Quyết định số 80/2014/QĐ-TTg ngày 30/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ.
Hàng loạt các kế hoạch chi tiết được lập ra để triển khai, cho thấy quyết tâm của UBND TP Hà Nội trong ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của các cơ quan nhà nước trên địa bàn.
Đó cũng là lúc Nhật Cường Software được thành lập (29/1/2016). Và lập tức đóng vai trò là doanh nghiệp song hành cùng thành phố về ứng dụng công nghệ thông tin. Nhật Cường Software đã thầu hàng loạt hợp đồng cung cấp dịch vụ phần mềm cho các cơ quan quản lý tại Hà Nội. Như xây dựng cơ sở dữ liệu dân cư, phần mềm lưu trú trực tuyến, phần mềm hộ chiếu online, triển khai hệ thống quản lý giáo dục trên địa bàn thành phố, quản lý bệnh viện, hồ sơ sức khoẻ toàn dân, đặc biệt là giải pháp dịch vụ công trực tuyến liên thông... Cùng với đó, là thành tích của Nhật Cường Technic trong triển khai hệ thống hạ tầng làm nền tảng kỹ thuật cho các giải pháp phần mềm quản lý cho TP Hà Nội.
Bởi thế, việc khám xét Nhật Cường rõ ràng sẽ phủ bóng lên tham vọng xây dựng đô thị thông minh của Hà Nội. Hàng nghìn tỷ đồng đầu tư cho công nghệ thông tin tại Hà Nội đang trông chờ và đang triển khai dở dang có thể bị ảnh hưởng vì tai nạn xảy ra tại Nhật Cường. Và câu hỏi tầm của Nhật Cường là “cao” thật, hay lý do thực sự Hà Nội lại phụ thuộc vào doanh nghiệp này để nâng tầm CNTT của thành phố, thì vẫn bỏ ngỏ.
Nhật Cường Software là doanh nghiệp CNTT được lựa chọn cung cấp các phần mềm cho Hà Nội bằng các sản phẩm tiêu biểu gồm: Cơ sở dữ liệu dân cư; Phần mềm Dịch vụ công trực tuyến; Phần mềm Một cửa điện tử. Trong lĩnh vực y tế có Phần mềm Quản lý bệnh viện toàn diện MESO: Quản lý hồ sơ sức khoẻ điện tử toàn dân, Tầm soát ung thư sớm, Đánh giá sự hài lòng; Trong lĩnh vực giáo dục có phần mềm Quản lý Giáo dục EDO: Sổ liên lạc điện tử, tuyển sinh đầu cấp, sổ điểm điện tử. Ngoài ra, còn có Phần mềm Lưu trú; Văn phòng điện tử...