Công ty CP Công nghệ y tế BMS liên quan đến vụ thổi giá thiết bị y tế tại Bệnh viện Bạch Mai. (Ảnh: Trần Hải) |
BMS “vào" bệnh viện nhà nước bằng đấu thầu
Liên quan tới vụ án kê khống giá thiết bị y tế (hệ thống Robot Rosa) tại Bệnh viện Bạch Mai và một số đơn vị liên quan, cơ quan Công an (C03) đã khởi tố, bắt tạm giam đối với bị can Phạm Đức Tuấn (SN 1979) - Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Công ty CP Công nghệ y tế BMS.
Thiếu tướng Tô Ân Xô, Chánh văn phòng kiêm người phát ngôn Bộ Công an cho biết, hệ thống robot được nhập khẩu có giá trị 7,4 tỷ đồng (gồm VAT). Tuy nhiên, các đối tượng câu kết nâng khống lên 39 tỷ đồng, hợp thức bằng chứng thư thẩm định giá không có giá trị pháp lý để chiếm đoạt tiền của người bệnh.
Theo tìm hiểu của phóng viên KH&ĐS, hệ thống các doanh nghiệp kinh doanh thiết bị y tế liên quan đến Công ty CP Công nghệ y tế BMS khá phức tạp. Tuy nhiên, có 03 doanh nghiệp trực tiếp gắn thương hiệu “BMS”, bao gồm: Công ty CP Công nghệ y tế BMS, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trang thiết bị y tế BMS, và Công ty TNHH Trang thiết bị y tế B.M.S. Các doanh nghiệp này đều do người trong gia đình bị can Phạm Đức Tuấn giữ vị trí chủ chốt.
Với Công ty CP Công nghệ y tế BMS do bị can Phạm Đức Tuấn là Chủ tịch HĐQT, khi bị Cơ quan Công an điều tra thì tới tháng 6/2020 đã đổi tên thành Công ty CP Năng lượng và Giá trị Cuộc sống.
Còn Công ty TNHH Trang thiết bị y tế B.M.S thành lập năm 2001, đặt trụ sở tại 433/19 Sư Vạn Hạnh (nối dài), phường 12, quận 10, TPHCM. Doanh nghiệp này do bà Phạm Thị Thanh Thủy (SN 1973) - chị ruột của bị can Phạm Đức Tuấn - làm Chủ tịch Hội đồng thành viên.
Được biết, bà Phạm Thanh Thủy trước đó từng được bình chọn là một trong những “Nữ Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu 2013 - Cúp Bông hồng Vàng”.
Một doanh nghiệp nữa gắn trực tiếp thương hiệu “BMS” là Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trang thiết bị y tế BMS. Doanh nghiệp này thành lập năm 2006, đặt trụ sở chính tại phòng 2408, nhà 34T, phố Hoàng Đạo Thúy, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội, hiện do bà Phạm Thị Tú Oanh (SN 1975) làm Giám đốc, đại diện theo pháp luật.
Tìm hiểu cho thấy, bà Phạm Thị Tú Oanh còn biết đến với vai trò là Chủ tịch Câu lạc bộ CEO Hà Nội và đã từng được bình chọn là một trong ba "Bông sen vàng Thủ đô" trong cuộc thi Bông sen vàng Thủ đô 2017 do Hiệp hội Nữ doanh nhân Hà Nội – HNEW phối hợp cùng Hội Liên hiệp Phụ nữ Hà Nội và VCCI đồng tổ chức.
Trong nhóm doanh nghiệp “BMS” này, cả Công ty CP Công nghệ y tế BMS và Công ty TNHH trang thiết bị y tế BMS đều thường xuyên trúng các gói thầu cung cấp vật tư y tế cho hàng loạt bệnh viện lớn khu vực phía Nam. Như trúng các gói thầu tại Bệnh viện Quân y 13, Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sóc Trăng, Bệnh viện Nhân dân 115, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ, Bệnh viện Đa khoa Trung tâm Tiền Giang, Bệnh viện Đa khoa Thống nhất Đồng Nai, Bệnh viên Đa khoa Trung ương Quảng Nam, Bệnh viện Đa khoa Long An, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, Bệnh viện C Đà Nẵng, Bệnh viện Quân y 7A, Bệnh viện Đa khoa khu vực Củ Chi...
Thậm chí, nhóm doanh nghiệp “BMS” này còn sở hữu Nhà máy sản xuất túi ép tiệt trùng, bao bì y tế cung cấp cho nhiều bệnh viện trên cả nước.
Bị can Phạm Đức Tuấn (áo trắng) - Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Công ty CP Công nghệ y tế BMS đã bị khởi tố, bắt tạm giam. (Ảnh: Bộ Công an). |
Những vệ tinh “gia đình”
"Họ" doanh nghiệp thương hiệu “BMS” còn có Công ty CP đầu tư Tuấn Ngọc Minh và Công ty CP Y tế Thành Ân cũng hoạt động rất mạnh trên thị trường cấp vật tư, thiết bị y tế vào các bệnh viện lớn.
Công ty CP đầu tư Tuấn Ngọc Minh thành lập năm 2008, trụ sở tại đường Thụy Khuê, quận Tây Hồ, Hà Nội. Doanh nghiệp này cũng do bị can Phạm Đức Tuấn giữ vai trò Giám đốc kiêm đại diện pháp luật.
Tại thời điểm tháng 7/2017, Phạm Đức Tuấn nắm giữ 66,67% cổ phần, còn lại bố ruột của Phạm Đức Tuấn là ông Phạm Hồng Nghĩa (SN 1945) sở hữu 16,67% cổ phần và mẹ của Phạm Đức Tuấn là bà Cao Thị Chuyên nắm giữ 16,67% cổ phần Công ty CP đầu tư Tuấn Ngọc Minh.
Tháng 3/2020, Liên danh Công ty CP Công nghệ y tế BMS và Công ty CP Đầu tư Tuấn Ngọc Minh đã trúng gói thầu vật tư thay thế thuộc dự án "Phê duyệt dự toán, kế hoạch lựa chọn nhà thầu mua vật tư y tế năm 2020" tại Bệnh viện thể thao Việt Nam, với giá trúng thầu lên tới 68,4 tỷ đồng (giá gói thầu 68,44 tỷ đồng).
Còn Công ty CP Y tế Thành Ân thành lập năm 2012, trụ sở chính tại 449/62 Sư Vạn Hạnh (nối dài), P.12, Q.10, TPHCM do ông Phạm Hồng Nghĩa làm Giám đốc. Công ty do 04 cổ đông góp vốn thành lập. Thời điểm tháng 5/2020, ông Phạm Hồng Nghĩa chỉ sở hữu 10% cổ phần, cá nhân Lê Nguyễn Tường Vi sở hữu 9,09% cổ phần, còn lại ông Nguyễn Mạnh Tuấn sở hữu 80,91% cổ phần.
Ông Nguyễn Mạnh Tuấn (SN 1971) hiện còn làm Tổng Giám đốc Công ty CP thiết bị y tế TDM trụ sở tại KĐTM Trung Hòa - Nhân Chính, Hà Nội. Được biết, ông Nguyễn Mạnh Tuấn là chồng bà Phạm Tú Oanh. 2 cổ đông này cũng đồng sáng lập lên Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trang thiết bị y tế BMS thuộc họ “BMS”. Ngoài ra, ông Tuấn còn là Thành viên HĐQT Công ty CP Bánh kẹo Hải Hà.
Công ty CP Y tế Thành Ân cũng thường xuyên trúng thầu tại các bệnh viện phía Nam như: Bệnh viện Thống nhất, Sở Y tế Cần Thơ, Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Huế, Bệnh viện C Đà Nẵng, Bệnh viện nhân dân 115, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, Bệnh viện Quân y 7A, Bệnh viện Quân y 7B, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Trà Vinh...
Như vậy có thể thấy, thương hiệu “BMS” là doanh nghiệp lớn trong thị trường cung cấp vật tư, thiết bị y tế. Nhóm doanh nghiệp này đã đưa nhiều vật tư, thiết bị y tế vào hàng loạt bệnh viện lớn tại các miền trên cả nước nhiều năm nay chủ yếu thông qua phương thức đấu thầu.
Dù các doanh nghiệp có tư cách pháp nhân độc lập, nhưng các cổ đông sáng lập có mối quan hệ thân hữu, gia đình. Theo tìm hiểu, nhóm “BMS” chưa dừng lại ở việc cung cấp vật tư, thiết bị cho các bệnh viện, chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc.