<div> <p><strong>Biến việc của bác sĩ bình thường thành có tội</strong></p> <p>Theo bác sĩ Huynh Wynn Tran, bác sĩ người Việt tại Mỹ thì câu chuyện này bác sĩ Lương vô tội và Bộ Y tế có tội.<br /> <br /> Cách đây 18 tháng, sự cố y khoa tại Bệnh viện đa khoa Hòa Bình làm 9 bệnh nhân chạy thận nhân tạo tử vong. Nguyên nhân là do tồn dư hóa chất trong quá trình bảo trì, bơm thẳng vào mạch máu làm bệnh nhân bị ngộ độc cấp. Bác sĩ Hoàng Công Lương bị bắt sau đó được tại ngoại, đến nay bị truy tố tội "vô ý làm chết người".</p> <p>Theo bác sĩ Huynh Wynn Tran câu chuyện của bác sĩ Lương có thể xem như một phi công bị ra tòa vì máy bay bị rơi do dùng xăng giả. Phi công không thể (và không tài nào) biết được xăng giả hay thật đã bơm vào vì đó không phải là chuyên môn của mình.</p> <p>Bác sĩ Lương là người ký y lệnh chạy thận sau khi có báo cáo của y tá và đo thử nước bình thường. Giáo sư Phan Nam, là giáo sư đầu ngành về hóa học, trong bài viết của mình vào tháng 5/2018 nói không tài nào biết được nước RO có nhiễm mẫu hóa chất nào nếu chỉ dựa vào một đồng hồ đo độ mà bác sĩ Lương đã kiểm tra (lúc đó vẫn trong vùng an toàn).</p> <p>Sau sự việc xảy ra, Giám đốc bệnh viên Đa khoa Hòa Bình lúc đó lẳng lặng biến mất. Sau khi dư luận phản ứng dữ dội, giám đốc công ty lọc rửa nước và cựu giám đốc bệnh viện cuối cùng mới phải hầu tòa.</p> <p>Bác sĩ Wynn cho biết trước tai nạn, Việt Nam không hề có hướng dẫn chạy thận và lọc rửa nước.</p> <p>10 tháng sau khi xảy ra tai nạn, Bộ Y tế mới cho ra hướng dẫn quy trình lọc nước chạy thận. Phiên tòa cũng cho thấy hàng chục lỗi hệ thống khác như đấu thầu trang thiết bị lọc thận sai, lập đơn vị lọc thận tại Bệnh viện Hòa Bình không phép, dùng hóa chất độc hại lọc rửa nước, sai từ giám đốc đến nhân viên.</p> <p>Những lỗi hệ thống này dẫn đến cái chết của 9 nạn nhân, chứ không phải bác sĩ Lương.</p> <p>Bác sĩ Wynn nhấn mạnh Bộ Y tế mới là nơi chịu trách nhiệm chính cho những lỗi hệ thống này. </p> <p><strong>Bộ Y tế phải nhận khuyết điểm</strong><br /> <br /> Theo vị bác sĩ này nếu phiên tòa này nếu xảy ra tại Mỹ sẽ rất đơn giản vì các lỗi hệ thống đã quá rõ ràng. Thêm nữa, các gia đình người thân của những bệnh nhân tử vong (là người ảnh hưởng chính phán quyết phiên tòa) đều đồng loạt xin miễn giảm tội cho bác sĩ Lương. </p> <p>Cả cộng đồng y khoa tại Việt Nam, với trên 7000 chữ ký cho bác sĩ Lương, đều hiểu rõ bác sĩ Lương vô tội. Họ cũng hiểu rõ họ sẽ không làm khác với bác sĩ Lương trong trường hợp ra y lệnh. Họ ký tên vì không muốn mình sẽ thành con tốt thí do lỗi hệ thống.</p> <p>Sự phản ứng yếu ớt của hội đồng chuyên môn (các hiệp hội y khoa) và thiếu đối chứng của chuyên gia càng làm cho phiên tòa không thuyết phục trong việc truy cứu tội của bác sĩ Lương.</p> <p>Bác sĩ Wynn xót xa với đồng nghiệp của mình vì bác sĩ Lương đã bị "kết tội" ít nhất 19 tháng qua. “Với cách làm như hiện nay một vài người quản lý sẽ bị “dính”, vài bệnh viện sẽ bị khiển trách, nhưng lỗi hệ thống chưa chắc sẽ sửa được nếu Bộ Y tế không nhận ra khuyết điểm của mình” bác sĩ Wynn nhấn mạnh.</p> <p>“Tôi nghĩ rằng phiên tòa này phải có "ảnh hưởng" vì nó đã phơi bày hàng loạt lỗi hệ thống mà Bộ Y tế là nơi chịu trách nhiệm cuối cùng”. </p> <table> <tbody> <tr> <td> <p>GS.TS Nguyễn Gia Bình, Chủ tịch Hội Hồi sức cấp cứu và Chống độc Việt Nam, nguyên Trưởng khoa Hồi sức tích cực (Bệnh viện Bạch Mai) - người đã trực tiếp cấp cứu cho nhiều bệnh nhân trong vụ tai biến y khoa ở Hòa Bình và theo sát diễn biến sự cố này, cho biết, ông không đồng tình với kết luận của VKSND. Dường như người ta đang “cố tình” buộc tội bác sĩ Lương. Theo GS Bình, bác sĩ Lương thực hiện đúng trách nhiệm của mình là cứu người.</p> <p>Hơn nữa, sự cẩu thả của những người sửa hệ thống lọc nước bằng hóa chất không phải do lỗi của bác sĩ bởi để xét nghiệm chất lượng nguồn nước theo tiêu chuẩn AAMI của Mỹ là bất khả thi. Xét nghiệm này 1-2 tuần mới có kết quả mà ở Việt Nam chỉ có Viện Khoa học Hàn Lâm Việt Nam mới làm được. Nếu có xét nghiệm nước thì chờ 1-2 tuần, bệnh nhân chạy thận không thể chờ được và nếu theo quy chuẩn AAMI thì trong hợp đồng phải có và phải có kế hoạch chuyển bệnh nhân như nào, còn ở đây thì không hề có kế hoạch chuyển bệnh nhân đi đâu để lọc máu.</p> <p>GS Bình cũng cho biết, Bệnh viện Bạch Mai cũng chỉ chuyển giao kỹ thuật lọc máu, chỉ định xét nghiệm, khám xét để chỉ định lọc máu, quy trình chuẩn vận hành máy móc thiết bị, còn kỹ thuật xử lý nguồn nước Bệnh viện Bạch Mai cũng không chuyển giao vì bệnh viện không có kỹ sư.</p> <p>Sự cố tai biến xảy ra mới thấy việc lỏng lẻo trong việc quản lý sử dụng, sục rửa hệ thống lọc nước. GS Bình cho biết bản thân những người sửa chữa hệ thống như bị can Quốc có thể cũng không biết rằng anh ta đã dùng hóa chất Axit Flohydirc (HF) và Axit Clohydric (HCL) để vệ sinh màng lọc RO suốt từ năm 2013.</p> <p>Trước ngày xảy ra sự cố tại BVĐK tỉnh Hòa Bình, tối 27/5/2017 bị cáo còn dùng hai hóa chất này để thao tác việc tẩy rửa tại BVĐK Phủ Lý (Hà Nam).</p> </td> </tr> </tbody> </table> </div>