Vụ 8 người dương tính Covid-19 dùng giấy âm tính để "thông chốt": Công ty Trung Nam có vô can?

Theo Công ty CP đầu tư xây dựng Trung Nam (Công ty Trung Nam), trong quá trình di chuyển về địa phương cách ly, các nhân sự này thuộc sự quản lý của bên dịch vụ cho thuê xe (Công ty CP Thương mại dịch vụ du lịch PMG - trụ sở tại huyện Cần Giờ, TPHCM).

Công ty biết lái xe nhiễm Covid-19, nhưng giấu là do đối tác?  

Trước đó, ngày 27/7, Công ty Trung Nam có lệnh điều động 10 tài xế ngụ trên địa bàn huyện Long Điền (Bà Rịa - Vũng Tàu) gồm: Ngô Thành L. (31 tuổi), Lê Hồng Ph. (23 tuổi), Nguyễn Văn C. (31 tuổi), Trần Quang Kh. (31 tuổi), Lê Hoàng H. (25 tuổi), Ngô Thanh T. (27 tuổi), Phạm Quốc M. (34 tuổi), Lưu Văn Tr. (35 tuổi), Nguyễn Chí T. (32 tuổi) và Hoàng Tr. (33 tuổi)... áp tải hàng siêu trọng đi Đăk Lăk.

Ngày 18/8, các tài xế bắt đầu áp tải cánh quạt gió từ cảng Ba Son (thị xã Phú Mỹ, Bà Rịa - Vũng Tàu) đi Đăk Lăk. Ngày 26/8, sau khi về đến một khách sạn ở Bình Dương, các tài xế được phía công ty đưa đi lấy mẫu xét nghiệm PCR và cho kết quả âm tính.

Sau khi có kết quả âm tính, các lái xe về lại cảng Ba Son, đến tối 27/8 tiếp tục áp tải hàng lên lại Đăk Lăk. Khoảng 14 giờ ngày 28/8, các tài xế về đến khu vực Tân Vạn (Bình Dương) thì được công ty cho người đến kiểm tra nhanh Covid-19, kết quả có 8 người dương tính Covid-19.

chot-kiem-soat-phong-chong-covid-19-tren-quoc-lo-51.jpg
Chốt kiểm soát phòng chống Covid-19 trên quốc lộ 51, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Ảnh: Minh họa

Đáng nói, sau khi phát hiện nhân viên có kết quả xét nghiệm nhanh dương tính Covid-19, Công ty Trung Nam lại không cho nhân viên cách ly tập trung theo quy định. Mà ngược lại, yêu cầu 10 tài xế quay về Bà Rịa - Vũng Tàu để điều trị.

Trên đường về, khi qua các chốt kiểm soát phòng chống dịch Covid-19 ở Đồng Nai và trên quốc lộ 51 (thị xã Phú Mỹ), các tài xế không khai báo việc bản thân có kết quả kiểm tra nhanh dương tính Covid-19 ngày 28/8, mà sử dụng kết quả âm tính Covid-19 của ngày 26/8 để qua chốt.

Thế nhưng, trong công văn giải trình hỏa tốc (số 999/021/CV/TNG gửi Ban Lãnh đạo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ngày 1/9, Công ty Trung Nam cho rằng, ngay sau khi có kết quả dương tính, công ty đã thông báo cho đại diện dịch vụ thuê xe (Công ty CP Thương mại dịch vụ du lịch PMG - Trụ sở tại huyện Cần Giờ, TPHCM) để tiếp nhận lại nhân sự, thực hiện hướng dẫn về địa phương khai báo và thực hiện cách ly theo quy định, trong quá trình di chuyển về địa phương cách ly, các nhân sự này thuộc sự quản lý của bên dịch vụ cho thuê xe.

“Do tin tưởng đối tác, Công ty chúng tôi có sự sơ xuất thiếu kiểm tra, giám sát, thông báo lại cho chính quyền địa phương nên làm ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch bệnh. Chúng tôi xin chịu trách nhiệm về việc này và kính mong Ban lãnh đạo chính quyền tỉnh thông cảm và tạo điều kiện cho chúng tôi khắc phục” - công văn nêu.

Xử thế nào?

Ngày 2/9, đại diện Công an tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết, đơn vị sẽ xử lý nghiêm đối với nhóm người làm việc cho Công ty Trung Nam khi biết mình dương tính Covid-19, nhưng lại cố tình sử dụng kết quả âm tính trước đó để qua chốt, gây nguy hiểm cho cộng đồng. 

Luật sư Đoàn Quang Xuân (Đoàn Luật sư TPHCM) cho biết, dịch Covid-19 lây lan và nguy hiểm nên ngày 1/4/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 447/QĐ-TTg công bố đây là bệnh truyền nhiễm nhóm A.

Theo đó, những người không chấp hành quy định phòng chống, làm lây lan dịch bệnh sẽ bị xử lý hành chính và phạt tù khi vi phạm hành vi hình sự.

Người có hành vi không khai báo y tế, khai báo y tế quanh co, che giấu lịch trình di chuyển làm ảnh hưởng đến quy trình truy vết có thể bị xử phạt hành chính từ 10 - 20 triệu đồng theo quy định tại Điều 3, Khoản 7, Nghị định 117/2020.

Hành vi nếu làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến cộng đồng thì bị xử lý hình sự theo Điều 240 Bộ luật Hình sự 2015, có thể bị phạt tiền tối đa 200 triệu đồng hoặc phạt tù 1-5 năm. 

Trường hợp làm chết người thì bị phạt tù lên đến 10 năm. Cụ thể, người nào thực hiện một trong các hành vi đưa ra hoặc cho phép đưa ra khỏi vùng có dịch bệnh động vật... hoặc mang mầm bệnh nguy hiểm có khả năng lây truyền cho người; hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người thì bị phạt tiền từ 50 - 200 triệu đồng hoặc bị phạt tù từ 1 - 5 năm. Đối với các hành vi dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Chủ tịch UBND tỉnh hoặc Bộ trưởng Bộ Y tế; làm chết người thì bị phạt tù từ 5 - 10 năm. Đối với hành vi dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ; làm chết 2 người trở lên thì bị phạt tù từ 10 - 12 năm.

Trong trường hợp người chưa bị xác định mắc Covid-19 nhưng sống trong khu vực đã có quyết định cách ly, quyết định phong tỏa mà thực hiện một trong các hành vi: Trốn khỏi khu vực bị cách ly, khu vực bị phong tỏa; không tuân thủ quy định cách ly; từ chối, trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly, cưỡng chế cách ly; không khai báo y tế, khai báo không đầy đủ hoặc khai báo gian dối, gây thiệt hại từ 100 triệu đồng trở lên do phát sinh chi phí phòng chống dịch bệnh thì bị xử lý về tội vi phạm quy định về an toàn ở nơi đông người theo quy định tại Điều 295, Bộ luật Hình sự năm 2015.

Theo Đời sống
back to top