Voọc chà vá cực hiếm bất ngờ vào chùa Phú Yên "xin ăn"
Thiên Trang (TH)
Cơ quan chức năng đang hướng dẫn bảo vệ 3 cá thể voọc chà vá chân xám quý hiếm có trọng lượng khá lớn xuất hiện tại một ngôi chùa ở TP.Tuy Hòa, Phú Yên.
Mới đây, đại diện Sở NNPTNT Phú Yên cho biết, đơn vị đã phối hợp kiểm tra thông tin động vật rừng cư trú trong khu vực chùa Quang Sơn, thôn Cẩm Tú, xã Hoà Kiến, TP.Tuy Hoà, Phú Yên.
Kết quả kiểm tra cho biết, hiện tại khu vực chùa Quang Sơn có 3 cá thể voọc chà vá chân xám, nặng từ khoảng 7 - 20kg, bụng và lưng có lông màu trắng lẫn đen, lông miệng và má màu trắng.
3 cá thể voọc xuất hiện cách đây khoảng 10 ngày và đang di chuyển qua các cành cây trong ngôi chùa trên.
Thời gian gần đây, khu vực vườn nhà ông Lê Văn Thành (thôn Cẩm Tú, xã Hòa Kiến, thành phố Tuy Hòa) xuất hiện loài vật lạ, có hình dáng như loài voọc chà vá chân xám. Chúng di chuyển trên cành cây, nhặt các loại trái cây như me, xoài để ăn.
"Tôi và nhiều người dân trong thôn phát hiện 3 con vật nghi là voọc chà vá tại khu vực này từ ngày 20 tháng Chạp âm lịch năm 2022, gồm 2 con lớn và 1 con nhỏ. Sau đó một thời gian chúng không đến nữa. Những ngày gần đây chúng xuất hiện trở lại, nhưng có thời điểm chỉ 1 con, có thời điểm 2 con. Thời gian xuất hiện khoảng từ 9h đến 17h", ông Thành cho biết.
Theo người dân thôn Cẩm Tú, đàn voọc chà vá này cũng hay xuất hiện ở khu vực Chùa Quang Sơn để "xin ăn". Đàn voọc này rất dạn dĩ, thân thiện, không phá cây cối hay hoa màu. Người dân và các sư thầy trong chùa mang trái cây để bên ngoài thì chúng tìm đến ăn.
Sở NNPTNT Phú Yên đề nghị ngành chức năng phối hợp với địa phương làm tốt công tác tuyên truyền, bảo vệ voọc chà vá chân xám theo đúng quy định.
Trường hợp voọc chà vá chân xám vào chùa, nhà dân để phá thì có biện pháp xua đuổi, hạn chế gây tổn thương đến cá thể voọc chà vá chân xám.
Đồng thời theo dõi, nắm bắt thông tin tình hình di chuyển của các cá thể voọc chà vá chân xám để có biện pháp quản lý, bảo vệ theo đúng quy định.
Voọc chà vá chân xám có tên khoa học Pygathrix cinerea, là động vật quý hiếm, nguy cấp, thuộc nhóm IB, theo Nghị định số 06/2019/NĐ-CP ngày 22/1/2019 của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp.
Có một sự trùng hợp là từ ngày 8 đến 13/2, Trung tâm Bảo tồn đa dạng sinh học Nước Việt Xanh (Green Viet) tổ chức cuộc khảo sát để nghiên cứu bổ sung về sự phân bố, số lượng và sinh cảnh sống của loài voọc chà vá chân xám tại rừng phòng hộ huyện Đồng Xuân (tỉnh Phú Yên) nhằm có thêm cơ sở dữ liệu khoa học phục vụ việc quy hoạch, quản lý bảo tồn loài bền vững trên phạm vi toàn quốc.
Theo tổ chức này, dựa vào kết quả hội thảo "Xây dựng hướng dẫn kỹ thuật công tác bảo tồn chà vá chân xám giai đoạn 2022-2030, tầm nhìn đến 2050" do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam phối hợp với Trung tâm GreenViet và Tổ chức Bảo tồn động thực vật quốc tế tại Việt Nam (viết tắt FFI) tổ chức vào tháng 4/2022, thì khu vực rừng phòng hộ huyện Đồng Xuân là một trong những khu vực có tiềm năng cao về phân bố của loài chà vá chân xám.
>>>Xem thêm video: Những “kiệt tác kiến trúc” hoàn hảo nhất thế giới động vật. Nguồn: Kienthucnet.